Chất gây ô nhiễm về đâu
Bỏ nuôi thủy sản vì ô nhiễm
Ông Hoàng Đình Mỹ - Phó Giám đốc Xí nghiệp Nuôi trồng Thủy sản Đồ Sơn, cho biết: "Trước đây, cả khu vực đê biển 1 chạy dọc tuyến đường Phạm Văn Đồng có diện tích nuôi thủy sản nước lợ gần 700ha, đến nay, diện tích còn lại khoảng 300ha.
Cả hai Xí nghiệp nuôi thủy sản Kiến Thụy và Đồ Sơn cũng chỉ còn hơn 60% số hộ nuôi cầm chừng vì hệ thống thủy lợi phục vụ nuôi thủy sản xen giữa các dự án, bị phá vỡ hạ tầng, ba bề bốn bên đều ô nhiễm.
Mới đây, công nhân của Xí nghiệp đã phát hiện ra một nhà máy của Khu công nghiệp Đồ Sơn xả thẳng trực tiếp nước thải bẩn ra khu đầm làm cá chết hàng loạt, đã làm kiểm điểm nhưng đâu vẫn hoàn đó".
Cũng trong tình trạng này, vùng nuôi thủy sản nước lợ thuộc khu vực Tràng Cát , Đình Vũ, quận Hải An cũng chịu thất bát liên tục vì đầm kẹt giữa các dự án công nghiệp nên nguồn nước nuôi thủy sản bị ô nhiễm nghiêm trọng, hệ thống thủy lợi và cơ sở hạ tầng vùng nuôi bị phá vỡ.
Còn tại huyện Cát Hải, nơi có 588 lồng bè nuôi cá biển với hơn 11 nghìn ô lồng, trong mấy năm gần đây, cá lồng bè cũng thường mắc các bệnh lở loét, đường ruột và bệnh sưng.
Qua điều tra của Viện Tài nguyên và Môi trường biển Hải Phòng cho thấy, hiện lượng ôxy hòa tan trong nước ở một số nơi khá thấp, hàm lượng các chất lơ lửng, chất dinh dưỡng trong nước cao; trong cơ thể một số sinh vật đáy có hàm lượng độc tố vượt tiêu chuẩn cho phép.
Đứng trước thực trạng nguồn nước mặt của Hải Phòng đang hứng chịu ô nhiễm nặng nề từ các nguồn thải, ảnh hưởng đến môi trường và phát triển kinh tế của vùng, Viện Tài nguyên&Môi trường biển Hải Phòng được sự giúp đỡ của thành phố Brest (Pháp) đã đưa ra mô hình dự đoán toán học delft-3d nhằm xác định hướng phân tán của các chất thải độc hại trên vùng biển Hải Phòng, qua đó xây dựng các giải pháp quản lý vùng bờ biển, khôi phục, duy trì và bảo vệ chất lượng môi trường vùng bờ biển.
Kết quả cho thấy, vào mùa mưa, khi triều xuống, hàm lượng chất rắn lơ lửng (TSS) của các sông Hải Phòng đều có giá trị lớn hơn 100mg/l. Hàm lượng TSS cao chủ yếu xuất hiện ở khu vực cửa Nam Triệu và của Văn Úc với sự ảnh hưởng lần lượt từ các nguồn trầm tích.
Khi triều lên trường dòng chảy có hướng từ phía biển vào các cửa sông vì vậy vùng có hàm lượng TSS cao bị đẩy dần về phía lục địa. Tuy nhiên do lưu lượng nước của sông Văn Úc khá lớn nên vùng có hàm lượng TSS khá cao (> 80mg/l) xuất hiện ở phía ngoài của Văn Úc, một phần cửa Lạch Tray và Nam Triệu.
Với chất hữu cơ lơ lửng (BOD) khi triều lên, sự phát tán BOD từ các sông ra vùng ven biển bị hạn chế và chỉ tập trung ngay sát ở các cửa sông. Sự phát tán BOD từ lục địa ra phía ngoài vùng cửa sông ven biển Hải Phòng thể hiện rõ trong pha triều xuống. Dưới tác động của trường dòng chảy trong pha triều này, khu vực có hàm lượng BOD cao nằm ngoài vùng sát các cửa sông, vịnh Cát Bà và ven bờ phía bắc bán đảo Đồ Sơn.
Tương tự với các chất độc hại khác như nhóm muối Amoni, nhóm muối Nitơrat, nhóm muối phốt pho, nhờ thủy triều lên xuống theo mùa mà bám vào khu vực quanh đảo Cát Bà hoặc các cửa sông, ven biển...
Vì vậy đã gây hiện tượng ô nhiễm hàng loạt các khu vực đầm phá và nuôi trồng thủy sản. Để từng bước hạn chế sự phát tán của hóa chất độc hại, rất cần sự quan tâm đầu tư xây dựng những trạm xử lý nước thải tại những khu vực này và hạn chế phát triển các khu công nghiệp để bảo vệ sự trong sạch của vùng nước ven biển.
Theo VFEJ
End of content
Không có tin nào tiếp theo