Chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh chưa tương xứng với mức tăng giá
Bộ Tài chính cho biết, Thẩm tra báo cáo của Chính phủ liên quan đến công tác điều hành giá cả, thị trường, báo cáo của Đoàn Thư ký kỳ họp thứ 10 chuẩn bị trình Quốc hội tới đây đã đồng tình với Chính phủ khi cho rằng, việc điều hành giá các mặt hàng thiết yếu đã cơ bản bám sát theo sự biến động của thị trường, bảo đảm hài hòa lợi ích của Nhà nước, doanh nghiệp và người dân.
Theo đó, Chính phủ khẳng định, trong công tác điều hành giá cả thị trường, việc điều hành giá điện, xăng dầu, than đã từng bước thực hiện theo cơ chế thị trường và bảo đảm yêu cầu ổn định kinh tế vĩ mô, gắn liền với chính sách hỗ trợ phù hợp cho các hộ nghèo và đối tượng chính sách.
Bên cạnh đó, Chính phủ cũng đã chỉ đạo các địa phương tích cực triển khai nhân rộng mô hình bình ổn giá không sử dụng nguồn hỗ trợ từ ngân sách nhà nước, nhất là trong các dịp lễ, Tết; tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, xử lý vi phạm về thị trường, giá cả...
Báo cáo thẩm tra của Đoàn Thư ký kỳ họp Quốc hội cho rằng, về cơ bản, Chính phủ đã bảo đảm thực hiện cơ chế giá thị trường đối với một số mặt hàng, dịch vụ thiết yếu đi đôi với việc ban hành một số chính sách hỗ trợ hợp lý cho các đối tượng chính sách và việc công khai, minh bạch theo yêu cầu của Quốc hội.
Việc điều hành giá các mặt hàng cơ bản bám sát theo sự biến động của thị trường, bảo đảm hài hòa lợi ích của Nhà nước, doanh nghiệp và người dân; chú trọng việc thực hiện chính sách xã hội. Chính sách điều hành giá vừa bảo đảm việc điều hành giá theo cơ chế thị trường, giảm việc bù lỗ của Nhà nước, tăng tính tự chủ của các cơ quan, đơn vị, vừa bảo đảm công bằng xã hội, tạo điều kiện hỗ trợ cho các đối tượng chính sách.
Đồng thời, chú trọng hơn việc công khai, minh bạch để hạn chế những tiêu cực do tình trạng độc quyền của các tập đoàn nhà nước thông qua việc tổ chức họp báo công khai các nội dung về giá thành sản xuất, kinh doanh điện; công khai diễn biến giá xăng dầu thế giới, từng yếu tố cấu thành trong giá cơ sở của giá xăng dầu trong nước; tình hình trích lập, sử dụng Quỹ bình ổn giá của từng doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối; niêm yết công khai mức giá dịch vụ khám chữa bệnh tại các cơ sở y tế; công khai mức đóng học phí...
Cùng với đó, chương trình bình ổn giá đã có một số đổi mới tích cực, như chuyển sang sử dụng vốn của doanh nghiệp để bình ổn giá, giảm gánh nặng cân đối ngân sách của nhiều địa phương; triển khai ở nhiều địa phương với nhiều hình thức phù hợp; các điểm bán hàng bình ổn giá được bố trí ở vị trí thích hợp.
Các cơ quan quản lý đã theo dõi sát giá các mặt hành bình ổn để kịp thời điều chỉnh phù hợp với tình hình thực tế; chú trọng công tác quảng bá; tăng cường gắn kết lưu thông phân phối với người sản xuất, bán lẻ; mở rộng đối tượng thực hiện đến các doanh nghiệp nhỏ và vừa; triển khai rộng rãi ở các vùng nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa; nâng cao ý thức xã hội của các doanh nghiệp.
Báo cáo thẩm tra cũng đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ khi triển khai các biện pháp đồng bộ để thực hiện Luật Giá. Trong đó, đã tăng cường kiểm soát, điều tiết, bình ổn giá, công khai giá; hệ thống pháp luật về quản lý giá đã được ban hành đúng tiến độ, kịp thời, tương đối đầy đủ và đồng bộ...
Tuy nhiên, Báo cáo cũng chỉ ra một số mặt hạn chết, trong đó việc điều hành giá các mặt hàng nói trên thời gian qua có thời điểm còn chưa thật sát thực tế. Việc triển khai giá dịch vụ khám chữa bệnh tại cơ sở y tế công lập còn chậm so với lộ trình. Mặc dù giá tăng nhưng chất lượng dịch vụ có lúc, có nơi còn chưa tương xứng với mức tăng giá dịch vụ khám, chữa bệnh. Việc triển khai thực hiện chính sách xã hội đối với giá một số mặt hàng (như việc hỗ trợ giá điện, hỗ trợ mức đóng bảo hiểm xã hội) còn chậm.
Do đó, Chính phủ cần có giải pháp kịp thời khắc phục để quản lý tốt hơn giá các mặt hàng, dịch vụ thiết yếu nêu trên, vừa bảo đảm tôn trọng các quy luật của nền kinh tế thị trường, vừa bảo đảm vai trò quản lý của Nhà nước. Đồng thời, rà soát, sửa đổi các quy định không còn phù hợp, áp dụng biện pháp tích cực để sớm đưa các chính sách vào cuộc sống; có biện pháp tích cực hơn nữa, bảo đảm khách quan, toàn diện, đầy đủ của việc công khai, minh bạch; thường xuyên đánh giá để có cách làm phù hợp, khắc phục các tồn tại, hạn chế, nâng cao hiệu quả của chương trình bình ổn giá…
End of content
Không có tin nào tiếp theo