Thực hiện các quy định về đảm bảo chất lượng nước dùng trong ăn uống và sinh hoạt tại TP Hà Nội, vừa qua Bộ Y tế đã kiểm tra, xét nghiệm chất lượng nước tại 16 nhà máy nước và 7 trạm cấp nước trên địa bàn Hà Nội... Bộ Y tế đã lấy 196 mẫu làm xét nghiệm, trong đó 30 mẫu lấy tại các nhà máy, trạm cấp nước và 166 mẫu lấy tại các hộ gia đình.
Theo Cục Quản lý Môi trường Y tế, kết quả phân tích các mẫu nước tại các cơ sở cấp nước tập trung cho thấy các chỉ tiêu như màu sắc, mùi vị, độ đục đều đạt tiêu chuẩn cho phép. Hàm lượng các thành phần vô cơ, hữu cơ, hóa chất bảo vệ thực vật, hóa chất khử trùng, kim loại nặng đều trong giới hạn cho phép. Không phát hiện các chỉ tiêu vi sinh vật như coliform, E-coli. Hầu hết các chỉ tiêu thành phần vô cơ, kim loại nặng trong giới hạn cho phép.
Tuy nhiên có 5 chỉ tiêu không đạt gồm clo dư, amoni, permanganate, mangan tổng số và asen. Trong đó có 6 mẫu nước có hàm lượng NH4+, 12 mẫu có hàm lượng permanganate và 1 mẫu có hàm lượng mangan cao hơn tiêu chuẩn cho phép. Đặc biệt tại Trạm cấp nước Mỹ Đình 2 có hàm lượng asen vượt quá tiêu chuẩn cho phép gần 4 lần.
Kiểm tra chất lượng nước tại hộ gia đình và khu đô thị cho thấy các chỉ tiêu cảm quan và hàm lượng các chất hữu cơ, hóa chất bảo vệ thực vật, hóa chất khử trùng, kim loại nặng nằm trong giới hạn cho phép. Tuy nhiên hàm lượng clo dư thấp hơn tiêu chuẩn cho phép.
Ngay sau khi kết thúc kiểm tra, Bộ Y tế đã họp với UBND TP Hà Nội thông báo kết quả kiểm tra và có các kiến nghị, giải pháp cụ thể. Trong đó đã đề nghị UBND TP Hà Nội chỉ đạo các đơn vị liên quan xem xét tạm thời ngừng sản xuất nước sử dụng nguồn nước ngầm nhiễm Asen tại Trạm cấp nước Mỹ Đình II và tiến hành các biện pháp kỹ thuật để khắc phục sự cố cho đến khi đảm bảo chất lượng nước cấp theo quy chuẩn. Trong thời gian ngừng sản xuất và khắc phục sự cố, phải có giải pháp thay thế đảm bảo cấp nước ăn uống, sinh hoạt đạt tiêu chuẩn cho người dân.
Đề nghị UBND thành phố chỉ đạo chủ đầu tư và Ban Quản lý khu đô thị Nam Đô thực hiện ngay việc vệ sinh, sửa chữa các bể chứa đảm bảo đủ tiêu chuẩn để lưu trữ và cấp nước cho các hộ gia đình. Trong thời gian khắc phục sự cố phải có giải pháp đảm bảo cấp nước ăn uống, sinh hoạt đạt tiêu chuẩn cho người dân. Đồng thời yêu cầu các Ban Quản lý khu đô thị có kế hoạch kiểm tra giám sát nội bộ và định kỳ vệ sinh hệ thống bể chứa, đường ống cấp nước của khu đô thị để kịp thời phát hiện và khắc phục.
Đối với nhà máy nước có công suất nhỏ, công nghệ lạc hậu, không phù hợp điều kiện địa chất của Hà Nội và nguồn nước ngầm bị ô nhiễm các chỉ số amoni, permanganate... đề nghị cải tạo nâng cấp công nghệ xử lý hoặc qui hoạch lại, điều phối/thay thế bằng nguồn cấp của các nhà máy nước có công suất lớn, chất lượng nước đảm bảo, chưa khai thác hết công suất như nhà máy cấp nước của Vinaconex...
Theo DDDN