Môi trường

Chất thải công nghiệp được coi là tài nguyên

Trong những năm qua ngành sản xuất than và sản xuất VLXD đã có những bước phát triển vượt bậc về chất lượng cũng như lợi nhuận kinh tế. Tuy nhiên, đối nghịch với đó là các mối nguy hại cho môi trường bởi vấn đề chất thải. Vì vậy, Quyết định 1696/QĐ-TTg ngày 23/9/2014 của Thủ tướng Chính phủ về một số giải pháp thực hiện xử lý tro, xỉ, thạch cao của các nhà máy nhiệt điện, nhà máy hóa chất phân bón để làm nguyên liệu sản xuất VLXD được coi là giải pháp hiệu quả.

 Việc tái sử dụng chất thải công nghiệp sẽ tiết kiệm hàng triệu USD mỗi năm.

Biến chất thải công nghiệp thành… tài nguyên

Theo nghiên cứu của Viện Vật liệu xây dựng, có thể sử dụng tro xỉ để thay thế cho 30-60% đất sét trong sản xuất gạch nung. Ước tính đến năm 2020 có thể thay thế khoảng 13 - 26 triệu tấn đất sét bằng tro, xỉ. Nếu cả cho nhu cầu sử dụng tro, xỉ sản xuất vật liệu không nung thì cả nước có thể sử dụng đến gần 30 triệu tấn cho sản xuất VLXD. Thống kê cũng cho thấy, ở cả hai lĩnh vực này, lượng tro xỉ được tái sử dụng đáng kể trong tổng lượng tro xỉ được dự báo sẽ thải ra môi trường vào 2020 khoảng từ 30 - 40 triệu tấn. Hàm lượng thạch cao được thải ra từ các nhà máy nhiệt điện đốt than Việt Nam theo tính toán có thể được tận dụng để làm phụ gia xi măng, VLXD hoặc trang trí nội thất.

Ông Lê Thế Ngọc - Phó vụ trưởng Vụ Vật liệu xây dựng (Bộ Xây dựng) cho biết, việc xử lý chất thải là vấn đề sống còn của các nhà máy nhiệt điện, hóa chất và xã hội. Nếu xử lý, sử dụng các chất thải từ các ngành công nghiệp này sẽ giải quyết được nhiều mục tiêu như: Tiết kiệm diện tích đất đai dùng làm bãi chứa thải, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, tạo thêm nguồn thu từ bán các chất thải đã được xử lý, tăng hiệu quả đầu tư của các dự án.

Bên cạnh đó là việc góp phần tiết kiệm ngoại tệ, giảm gánh nặng nhập siêu cho nền kinh tế, bởi việc tái chế sẽ tạo nguồn nguyên liệu thay thế các nguyên liệu vẫn phải nhập khẩu để làm phụ gia cho sản xuất xi măng, làm bê tông, xử lý đất. Đồng thời, hình thành thị trường mua bán chất thải đã được xử lý để làm nguyên liệu sản xuất VLXD. Đây là một giải pháp tạo nguồn nguyên liệu cơ bản nhằm ổn định để phát triển bền vững cho ngành VLXD, hạn chế sử dụng nhiều tài nguyên thiên nhiên, khoáng sản và nhiên liệu phát thải nhiều ra môi trường gây ô nhiễm và hiệu ứng nhà kính.

Cộng đồng cần chung tay

Với lợi nhuận kinh tế cao, giảm thiểu được những tác động xấu đến môi trường, Quyết định 11696/QĐ-TTg được coi là một giải pháp mang tính chiến lược. Tuy nhiên, để tính hiệu quả của nó được phát huy và đi vào cuộc sống thì cần có sự chung tay của các Bộ, ngành cũng như cộng đồng DN.

Mục tiêu chính của Quyết định 11696/QĐ-TTg là giảm thiểu ô nhiễm môi trường, tiết kiệm diện tích đất dùng làm bãi chứa chất thải, góp phần tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên làm VLXD, đảm bảo phát triển bền vững. Xác định lộ trình các nhà máy nhiệt điện hóa chất phân bón hoàn chỉnh đầu tư xây dựng dây chuyền thiết bị xử lý tro, xỉ, thạch cao đạt tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật làm nguyên vật liệu sản xuất VLXD. Đồng thời, tăng lượng thạch cao trong nước làm nguyên liệu cho sản xuất VLXD nhằm từng bước giảm dần và hạn chế thạch cao nhập khẩu. Hình thành thị trường tro, xỉ, thạch cao đã được xử lý để làm nguyên liệu sản xuất VLXD.

Để đảm bảo tính bền vững, ông Lê Thế Ngọc cũng cho biết, lộ trình sản xuất đối với các nhà máy nhiệt điện, hóa chất phân bón đang hoạt động hoặc đã có quyết định đầu tư phải có phương án đầu tư xây dựng dây chuyền, thiết bị xử lý tro, xỉ, thạch cao đảm bảo tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật làm nguyên liệu sản xuất VLXD và đưa vào vận hành trước năm 2020. Đối với các nhà máy nhiệt điện hóa chất phân bón đầu tư mới, đầu tư mở rộng hoặc cải tạo, khi phê duyệt dự án phải bao gồm thiết kế đồng bộ dây chuyền, thiết bị xử lý các chất thải này đảm bảo tiêu chuẩn, quy chuẩn sản xuất VLXD. Đến năm 2020, chỉ cấp diện tích bãi thải cho các dự án nhà máy nhiệt điện, hóa chất, phân bón với dung lượng chứa tối đa cho 2 năm sản xuất phù hợp với quy mô, công suất dự án.

Theo Quyết định 1696/QĐ-TTg, để đạt mục tiêu đề ra, các Bộ, ngành cần có sự chung tay, phối hợp chặt chẽ ngay từ thời điểm này. Cụ thể, Bộ Công Thương sẽ nghiên cứu, bổ sung quy định trong thiết kế cơ sở các dự án đầu tư xây dựng nhà máy nhiệt điện, hóa chất phân bón; Bộ TN&MT sẽ nghiên cứu trình các cấp có thẩm quyền hạn chế nhập khẩu thạch cao, các loại tro, xỉ làm nguyên liệu sản xuất VLXD…

Với nhiều giải pháp tích cực, hy vọng sẽ giúp ngành điện và ngành sản xuất VLXD giải quyết được vấn đề ô nhiễm môi trường, đồng thời tạo tư duy mới, coi chất thải từ công nghiệp sản xuất điện, hóa chất, phân bón là một loại tài nguyên.

baoxaydung.com.vn
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo