Xã hội

Chất vấn, đường ống dẫn nước sông Đà lại vỡ

Ngày 10/7, trong khi các đại biểu HĐND TP Hà Nội chất vấn về nguyên nhân và giải pháp khắc phục tình trạng mới chỉ vận hành 5 năm, nhưng đã có 7 lần đường ống dẫn nước sông Đà bị vỡ làm ảnh hưởng đến sinh hoạt của hàng nghìn hộ dân, lãnh đạo UBND TP Hà Nội thông báo lại tiếp tục xảy ra sự cố vỡ đường ống dẫn nước lần thứ 8.

Đại biểu chất vấn tại HĐND TP Hà Nội ngày 10/7. Ảnh: Minh Tuấn

Trả lời câu hỏi các thành viên Ban Kinh tế và Ngân sách HĐND TP đề nghị UBND TP Hà Nội làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm và giải pháp khắc phục việc đường ống dẫn nước từ sông Đà về Hà Nội đã vỡ đến 7 lần, mỗi lần vỡ ảnh hưởng tới 70.000 hộ dân, ông Nguyễn Quốc Hùng- Phó Chủ tịch UBND TP đăng đàn thông báo với gần 100 đại biểu HĐND rằng: “Hôm nay đường ống nước sạch sông Đà về Hà Nội lại vỡ tiếp. Như vậy, vỡ đường ống đến lần thứ 8. Thành phố đã cử lực lượng xuống hiện trường và phía chủ đầu tư hứa khắc phục xong sự cố trong tối ngày hôm nay”. 

Theo ông Hùng, qua nhiều lần vỡ đường ống truyền dẫn, gây ảnh hưởng đến việc cung cấp nước cho người dân Thủ đô, Bộ Xây dựng đã chỉ đạo Cục Giám định chất lượng công trình xây dựng cùng Viện Khoa học Công nghệ xây dựng và Viện Vật liệu xây dựng khảo sát, đánh giá về chất lượng thi công tuyến ống truyền dẫn trên, hiện chưa có báo cáo chính thức.
 
Đường ống nước Sông Đà vỡ lần thứ 8. Ảnh: N.Tú
 
 Qua đánh giá sơ bộ ban đầu của các chuyên gia, nguyên nhân của sự cố đường ống là do vật liệu ống sử dụng cho công trình chưa phù hợp với điều kiện truyền tải nước về TP. “Trách nhiệm để xảy ra tình trạng vỡ ống, gây ảnh hưởng cung cấp nước phục vụ sinh hoạt của người dân, trước tiên thuộc về nhà đầu tư là Tổng Công ty Vinaconex trong công tác khảo sát, thiết kế, lựa chọn tiêu chuẩn, vật tư vật liệu, quá trình thi công, giám sát nghiệm thu…”, Phó Chủ tịch UBND TP nói. Ông Hùng cho biết: “Đến nay TP cũng yêu cầu phía chủ đầu tư xây dựng ngay đường ống nước sạch số 2. Trước mắt là làm 10 km đường ống chạy qua vùng đất yếu, nơi đường ống số 1 thường xuyên bị vỡ. Nếu trong 9 tháng mà họ không khởi công được thì TP sẽ đứng ra làm chứ không thể trông chờ vào họ nữa”. 
 
Phớt lờ xây trạm xử lý nước thải
 
Trước tình trạng nhiều dự án đầu tư trạm xử lý nước thải trong hàng rào các khu giết mổ gia súc, gia cầm tập trung sau đầu tư vẫn đắp chiếu, hoạt động chỉ bằng 40% công suất, đại biểu Nguyễn Tuấn Thịnh (Phó trưởng Ban Kinh tế Ngân sách, HĐND TP) đề nghị làm rõ trách nhiệm của Sở Công Thương với tư cách là chủ đầu tư. Trả lời nội dung này, ông Lê Hồng Thăng, Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho rằng, một số trạm xử lý nước thải hoạt động công suất thấp vì kinh tế khó khăn, nhiều nhà máy giết mổ suy giảm sản xuất. Ông Thăng cho hay, đầu tư xử lý nước thải tại các điểm này lên tới khoảng 20 tỷ đồng/trạm, gặp khó khăn về vốn.
 
Trả lời về thực trạng hàng loạt các khu đô thị mới chậm xây hoặc không xây dựng khu xử lý nước thải, ông Lê Văn Dục, Giám đốc Sở Xây dựng thừa nhận những hạn chế trong quản lý nhà nước ở lĩnh vực này. Ông Dục khẳng định nhiều chủ đầu tư đã né tránh, chây ỳ trong việc xây trạm xử lý nước thải do vốn đầu tư lớn. “Thời gian tới, với những khu đô thị có từ 10 đến 30% dân về ở, thì phải có khu xử lý nước thải công suất từ 1.000m3/ngày đêm trở lên”, ông Dục cam kết.
 

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Văn Tốn- Tổng Giám đốc Công ty nước sạch Vinaconex cho biết, khoảng 10 giờ sáng ngày 10/7, đường ống cấp nước sông Đà về Hà Nội lại xảy ra sự cố. Điểm vỡ ống nước tại km25 đoạn gần cầu Đồng Trúc, Đại lộ Thăng Long (huyện Thạch Thất). Hiện đơn vị đang huy động khoảng 150 cán bộ nhân viên xuống hiện trường khắc phục sự cố. Dự kiến, đến 23 giờ đêm ngày 10/7 sẽ khắc phục xong sự cố và cấp nước trở lại. Đây là lần thứ 8 đường ống cấp nước từ Nhà máy nước sông Đà về Hà Nội gặp sự cố.

 

Tiền Phong
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo