Chất vấn Thủ tướng về nhà thầu Trung Quốc
ĐBQH yêu cầu Chính phủ làm rõ trách nhiệm của mình cũng như các bộ, ngành liên quan tới tổng thầu Trung Quốc.
Theo tổng hợp của đoàn thư ký kỳ họp, tính đến chiều ngày 2/6/2014, đã có 95 văn bản chất vấn với 110 câu hỏi gửi đến Thủ tướng và các thành viên khác của Chính phủ.
Hiện mới có hai văn bản gửi chất vấn tới Thủ tướng. Theo VnEconomy, một trong hai nội dung là chất vấn của một vị trưởng đoàn đại biểu Quốc hội của một thành phố lớn về nhà thầu Trung Quốc.
Cụ thể, vị đại biểu dẫn số liệu của Ủy ban Tài chính - Ngân sách, tính đến năm 2010 có đến 90% các dự án tổng thầu EPC của Việt Nam do nhà thầu Trung Quốc đảm nhận. trong đó, nhiều trường hợp chậm trễ, kéo dài thời gian thi công rồi yêu cầu chủ đầu tư bù giá làm đội vốn đầu tư. Ví dụ: nhà máy Tân Rai, Nhân Cơ do nhà thầu Chalieco của Trung Quốc là đơn vị tổng thầu thi công, với tổng mức đầu tư vượt lên lần lượt tới hơn 15.400 tỷ đồng và 16.800 tỷ đồng; tăng 3.800 tỷ đồng và 4.300 tỷ đồng so với dự kiến ban đầu.
Đáng chú ý là trong số chậm trễ đó có tới 30 dự án trọng điểm quốc gia, có nhiều dự án “tỷ đô” của ngành điện…
“Ở nước ta, nhiều dự án hạ tầng lớn đều do doanh nghiệp Trung Quốc trúng thầu thì vấn đề an ninh năng lượng, an ninh quốc gia, hiệu quả đầu tư… thật sự rất đáng lo ngại, nhất là trong tình hình biển Đông hiện nay”, văn bản chất vấn nêu.
Đại biểu này đề nghị: “Chính phủ cần làm rõ trách nhiệm của mình cũng như các bộ, ngành liên quan trong việc tham mưu đề xuất cho nhà thầu Trung Quốc trong thời gian vừa qua. Chính phủ có giải pháp gì để sớm khắc phục tình trạng trên trong tình hình hiện nay?”.
Trước đó, theo phản ánh của Đất Việt, tình trạng đội vốn, nhà thầu kém chất lượng nhưng vẫn đảm nhiệm những công trình trọng điểm của Việt Nam khiến dư luận bức xúc.
Đích thân Bộ trưởng Bộ GTVT - Đinh La Thăng phải chỉ mặt hàng loạt các DN năng lực kém, trong đó có nhiều tên công ty của Trung Quốc bị xướng tên.
Trong số 57 công ty chất lượng chưa đạt yêu cầu, có 4 nhà thầu TQ đang thực hiện thi công các công trình tại Việt Nam. Điều đáng nói các công ty này đều đang đảm nhận rất nhiều các công trình trọng điểm và có vốn đầu tư lớn.
Điển hình là dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông đã được Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải yêu cầu làm rõ trách nhiệm.
Liên quan trực tiếp tới vấn đề này là hàng loạt những nhà thầu Trung Quốc năng lực kém đã bị điểm mặt. Nhiều chuyên gia lên tiếng bày tỏ lo ngại việc chấp nhận cho dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông điều chỉnh vốn lên gần bằng 100% sẽ tạo ra một tiền lệ "cứ xin là cho" và hàng loạt các dự án xin đội vốn theo.
Câu hỏi lớn nhất được nhiều chuyên gia và các đại biểu Quốc hội đặt ra là: Vì sao nhà thầu năng lực kém nhưng vẫn trúng thầu? Vấn đề này đã được các chuyên gia và đại biểu Quốc hội chỉ thẳng là có chuyện "đi đêm, lót tay" để được dự án.
Cùng với đó là những chiêu trò lách luật, kéo dài thời gian chờ thời cơ đội vốn công trình.
Vấn đề này được đặt ra trong bối cảnh trước đó đã có thống kê cho hay tuy lượng đầu tư trực tiếp FDI của Trung Quốc vào Việt Nam trong 20 năm qua chỉ tương đương 1,5% tổng vốn FDI, nhưng “tới 90% các công trình điện, khai khoáng, dầu khí, luyện kim, hóa chất…của Việt Nam đều do Trung Quốc đảm nhiệm” với tư cách tổng thầu EPC.
Đi cùng với những dự án này, các nhà thầu Trung Quốc là luôn mang vào Việt Nam không những công nhân lao động, mà cả nguyên vật liệu và trang thiết bị.
Như vậy vô hình chung, chúng ta đã tạo công ăn việc làm và GDP cho nước bạn và làm gia tăng nhập siêu.
Báo Đất Việt
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Cột tin quảng cáo