Châu Âu bắt đầu chương trình kích thích kỷ lục
Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) hôm nay sẽ bắt đầu chương trình mua lại trái phiếu trị giá 1.100 tỷ euro, vốn được biết tới với cái tên Nới lỏng định lượng tại Mỹ (QE). Việc này đã được Chủ tịch ECB - Mario Draghi thông báo giữa tuần trước. Theo đó, từ ngày 9/3 cho đến ít nhất là tháng 9/2016, cơ quan này sẽ mua lại khoảng 60 tỷ euro trái phiếu mỗi tháng. Động thái này nhằm tăng cường hoạt động kinh tế tại 19 nước eurozone, sau nhiều biện pháp thất bại, như giảm lãi suất khiến lãi cho vay xuống gần 0%.
Chính sách trên được đưa ra khi các nước eurozone đang đối mặt với nguy cơ giảm phát ngày một tăng. Giá cả giảm khiến người dân ngừng chi tiêu để chờ giá xuống thêm nữa, tạo ra vòng xoáy giảm sản xuất, giảm số việc làm tạo mới và giá lại càng lao dốc.
Chiến lược đằng sau chương trình QE của ECB cũng tương tự Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) và Ngân hàng Trung ương Anh (BOE) trước kia. Các cơ quan này mua lại trái phiếu để bơm một lượng lớn tiền vào thị trường. Việc này sẽ giúp giảm lãi suất trái phiếu và các tài sản khác, khiến các công ty đi vay và đầu tư với chi phí rẻ hơn, từ đó kích thích chi tiêu và thuê nhân công.
Tuy nhiên, rủi ro từ kế hoạch gây tranh cãi này của ECB đã tạo ra nhiều ý kiến trái chiều. Đức và một số quốc gia phía Bắc châu Âu rất phản đối kế hoạch này. Để xoa dịu họ, ECB cho biết phần lớn trái phiếu mua lại trong chương trình sẽ do ngân hàng trung ương các nước tiến hành. Và họ cũng gần như chỉ mua trái phiếu phát hành bởi nước mình mà thôi.
Một số nhà quan sát đã cảnh báo sự thành công của Mỹ và Anh không có nghĩa châu Âu cũng đạt được hiệu quả tương tự. "Chúng tôi khá nghi ngờ chính sách mới của châu Âu sẽ giúp họ phục hồi đáng kể hoặc tránh được nguy cơ giảm phát như kỳ vọng. Thị trường lao động tại đây vẫn còn rất ì ạch và các khảo sát cho thấy tăng trưởng vẫn rất yếu, giảm phát còn có thể kéo dài", báo cáo hàng tuần của Capital Economics cho biết.
Tuy vậy, Neil MacKinnon tại VTB Capital vẫn tỏ ra khá lạc quan. "Vòng quay tín dụng đang đi lên, và chương trình của ECB có thể sẽ có tác dụng nào đó trong việc kích thích tăng cung tiền. Dù vậy, ECB đang đối mặt với nhiều thách thức kinh tế và chính sách tiền tệ chỉ có thể giải quyết vài cái trong số chúng mà thôi", ông nói.
Draghi đã bác bỏ những lo ngại này. Trong tuyên bố giữa tuần trước, ông cho biết: "Chúng tôi đã nhận thấy các tác động tích cực đáng kể từ quyết định về chính sách tiền tệ này".
Draghi cũng bỏ qua những lo ngại rằng các ngân hàng tư nhân đang đối mặt với yêu cầu vốn khắt khe sau khủng hoảng có thể không muốn chia tay số trái phiếu mà ECB cần trong chương trình này. Ông cho biết các nhà băng có tình trạng tương tự tại Mỹ và Anh đã không ngần ngại bán trái phiếu cho FED và BOE khi hai cơ quan này tung QE. Chiến lược của họ đã thành công và eurozone bây giờ cần phải học hỏi.
End of content
Không có tin nào tiếp theo