Môi trường

Châu Âu hàng không tạm ngừng vì bão tuyết

Sau khi hoành hành ở Anh, Pháp và Bỉ, bão tuyết trái mùa tiếp tục ảnh hưởng đến Đức và Hà Lan, làm rối loạn hệ thống giao thông ở các nước này.

(TTXVN) Tại Đức, sân bay Frankfurt đến tối 12/3 mới chỉ mở cửa lại hai đường băng, sau khi đóng cửa toàn bộ sân bay do tuyết rơi dày.


Sân bay đông đúc thứ ba châu Âu này đã phải hủy 700 trong tổng số 1.250 chuyến bay dự kiến hàng ngày, đồng thời cảnh báo sẽ tiếp tục hủy hoặc lùi giờ khởi hành đối với nhiều chuyến bay trong ngày 13/3.

Tuyết rơi dày khiến 100 chiếc ôtô va vào nhau trên một tuyến đường cao tốc ở miền Tây làm nhiều người bị thương nặng.

Pháp là nước chịu tác động mạnh nhất từ đợt bão tuyết cuối mùa. Tính tới nay đã có ít nhất bốn người thiệt mạng do bão tuyết gây giá rét trong vài ngày qua.

Hai sân bay chính ở thủ đô Paris là Charles de Gaulle và Orly đã hủy 25% chuyến bay, trong khi sân bay Beauvais gần đó ngừng hoạt động hoàn toàn.

Hệ thống đường sắt cao tốc Eurostar nối Paris với thủ đô London của Anh, hệ thống đường cao tốc Thalys nối Paris với thủ đô Brussels của Bỉ và tất cả hệ thống đường sắt cao tốc khác ở miền Bắc nước Pháp đều ngừng hoạt động trong ngày 12/3.

Eurostar thông báo đã điều chỉnh thời gian vận hành các chuyến tàu trong ngày 13/3, trong khi Thalys cảnh báo dịch vụ của hãng sẽ tiếp tục rối loạn vì thời tiết.

Hai vùng Calvados và Manche ở Tây Bắc nước Pháp đến tối 12/3 mới hủy lệnh báo động đỏ vì tuyết rơi dày, trong khi 21 vùng khác vẫn duy trì lệnh báo động màu da cam.

Tình hình giao thông ở thủ đô Paris tiếp tục khó khăn do nhiệt độ vẫn xuống - 6 độ C và tuyết có thể còn rơi nhiều hơn nữa. Bộ Nội vụ khuyến cáo chỉ phục vụ những dịch vụ giao thông thiết yếu.

Tại các vùng Normandy và Britanny, số người mắc kẹt trong ôtô trong ngày tăng vọt từ 500 lên 2.000 trường hợp, buộc nhà chức trách phải dựng các lều tạm cho các "khách trọ" bất đắc dĩ. Số hộ gia đình bị mất điện lên tới 80.000.

Thủ tướng Pháp Jean-Marc Ayrault, khi tới thị sát một số vùng bị ảnh hưởng nặng nề, đã tuyên bố hai ưu tiên chính lúc này là giúp đỡ người và phương tiện bị chìm trong tuyết hoặc bị kẹt trên các tuyến giao thông, đồng thời tập trung khôi phục hệ thống điện.

Khoảng 12.400 lính cứu hỏa, cảnh sát và quân đội, với một lượng đáng kể các phương tiện ứng phó và cứu trợ, được triển khai đến những vùng bị ảnh hưởng.

Hệ thống phân phối điện toàn nước Pháp (ERDF) đã huy động khoảng 1.000 nhân viên, với sự hỗ trợ của các doanh nghiệp dịch vụ và đơn vị quân đội xuống các địa bàn để khắc phục khẩn cấp sự cố.

Bão tuyết cũng gây rối loạn giao thông tại nhiều vùng ở Anh, đặc biệt tại các hạt Sussex và Kent, cũng như ở Bỉ. Hiện chưa có thống kê về tác động của bão tuyết ở Hà Lan./.
 
 
 
Hồng Lĩnh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo