Châu Âu mất kiểm soát với khủng hoảng nhập cư
Sau vụ việc tìm thấy 71 xác chết trong thùng chứa của một chiếc xe tải bị bỏ rơi bên lề đường gần biên giới Áo – Hung vào ngày hôm nay, lãnh đạo các nước châu Âu một lần nữa phải đối mặt với cuộc khủng hoảng của làn sóng di dân kể từ lần di cư lớn nhất sau chiến tranh thế giới thứ hai.
Sau vụ việc này, chính phủ Áo ngay lập tức mở hội nghị lớn họp về tình hình nhập cư và các vấn đề liên quan, đồng thời nhắc nhở các cơ quan chính quyền nỗ lực nhiều hơn nữa để “ngăn chặn tội buôn bán người” xuyên châu Âu.
Các nước châu Âu cũng nâng mức báo động về vấn đề nhập cư khi Liên hợp quốc dự đoán số lượng người nhập cư vào các nước này có thể lên đến 3.000 người trong một ngày khi tình hình kinh tế, chiến tranh và khủng bố tại Trung Đông, châu Phi ngày càng căng thẳng hơn.
Bởi một số nước châu Âu đã đưa ra giới hạn về số lượng người nhập cư nên tình hình nhập cư bất hợp pháp vào các nước này bằng tàu hỏa, tàu thủy, xe tải ngày càng cao. Do đó, tính mạng của những người nhập cư bất hợp pháp này cũng không hoàn toàn được đảm bảo.
Do tình trạng quá tải của các trại tị nạn ở trong nước mà chính phủ Anh và Hy Lạp đã không thể cho phép những người ngoại tịch nhập cư vào nước mình thêm nữa. Vấn đề lương thực, thực phẩm cũng như nơi ở cho dân tị nạn đều khiến các nước châu Âu đau đầu. Thêm nữa, để bảo đảm an ninh xã hội trong khu vực khiến các nước EU ngày càng dè dặt và thắt chặt hơn tình trạng nhập cư hợp pháp cho công dân nước khác.
“Nếu người châu Âu muốn chính phủ kiểm soát được vấn đề nhập cư bất hợp pháp, thì giới lãnh đạo các nước này cần phải cung cấp nơi ở và lương thực, thực phẩm đủ cho số lượng người nhập cư”, Francois Crepeau, báo cáo viên về quyền người nhập cư của Liên hợp quốc cho biết.
Crepeau còn kêu gọi giới lãnh đạo các nước châu Âu hãy “thể hiện lòng khoan dung và tinh thần đạo đức cao cả, hãy thể hiện rằng các nước châu Âu đã xóa bỏ hoàn toàn nạn phân biệt chủng tộc đối với người dân tị nạn”.
Trong khi đó, các nhà chính trị EU đã tranh luận rằng các nước châu Âu cũng cần phải bảo đảm tình hình an ninh cho khu vực nhất là sau khi tại Pháp vừa xảy ra các vụ xả súng đều do người nhập cư từ Trung Đông gây ra. Đồng thời, người dân châu Âu cũng phản đối mạnh mẽ việc các nước châu Âu mở thêm các trại tị nạn cho người ngoại tịch.
Tại Anh, Thủ tướng David Cameron cũng tăng cường an ninh tại kênh đào Tunnel nối liền đến Pháp, nơi rất nhiều người nhập cư tìm mọi cách để vào nước Anh, thậm chí có rất nhiều người tị nạn đã thiệt mạng tại khu vực này. Thủ tướng Cameron cũng tuyên bố rằng Anh đã thông qua bộ luật mới, theo đó, những người nhập cư bất hợp pháp vẫn muốn tìm cách làm việc tại nước này sẽ phải đối mặt với án tù.
Trong khi đó, Tây Ban Nha cho rằng tỷ lệ thất nghiệp trong nước đã quá cao nên lượng người nhập cư vào đây sẽ khiến cho xã hội Tây Ban Nha thêm náo loạn. Các nước thuộc vùng Baltic như Estonia và Latvia thì cho rằng họ rất muốn giúp đỡ những người dân nhập cư và mở thêm nhiều trại tị nạn nhưng vì diện tích nước quá nhỏ nên họ không thể giúp gì hơn.
Hungary gần đây đã cho xây dựng hàng rào thép nhằm ngăn chặn dòng người nhập cư từ Serbia đổ xô vào nước này nhưng phương pháp này cũng không hề đem lại hiệu quả.
Đức – quốc gia nhận nhiều người tị nạn nhất khu vực châu Âu với số lượng đơn lên đến 800.000, gấp đôi so với dự đoán ban đầu và năm ngoái. Tuy nhiên rất nhiều người dân Đức đã phản đối chính sách này của chính phủ bằng cách tiến hành bạo lực, đốt phá, tấn công các nhà thờ được tận dụng làm trại tị nạn cho dân nhập cư.
Với chính sách rộng rãi của chính phủ Đức, nhiều dân tị nạn đã tìm đến nước này với mong muốn được nhập cư hợp pháp. Ahmad Abdelfattah, 20 tuổi, dân tị nạn đến từ Aleppo, Syria nói: “Tôi đã đi bộ xuyên qua Thổ Nhĩ Kỳ và các nước châu Âu khác để đến đây” rồi chỉ vào đôi giầy đã mòn và rách của mình. Ahmad là một trong tổng số 1.500 người tị nạn nộp đơn và đang đợi trước cơ quan nhập cư của Đức để đợi kết quả.
Trong khi đó, Thụy Điển, nước với mật độ dân số thưa, diện tích rộng cùng hệ thống phúc lợi xã hội cao cũng được giới lãnh đạo EU khuyến khích mở rộng chính sách nhập cư.
End of content
Không có tin nào tiếp theo