Quốc tế

Châu Âu: Nhiều doanh nhân tự sát vì suy thoái kinh tế

Trong vòng 3 năm qua, cơn bão suy thoái kinh tế làm lung lay châu Âu đã tác động tiêu cực đến những doanh nghiệp một thời ăn nên làm ra và dẫn đến hậu quả đau lòng là tỉ lệ doanh nhân tự sát tăng cao đến mức báo động.

Đặc biệt ở các quốc gia có nền kinh tế không vững vàng như Hy Lạp, Ireland và Italia, các chủ doanh nghiệp nhỏ và vừa rơi vào tình trạng thê thảm mà giới truyền thông châu Âu gọi là “tự sát do khủng hoảng kinh tế”.

 

 

Vào thời khắc giao thừa năm nay, Antonio Tamiozzo, 53 tuổi, treo cổ tự tử ngay tại căn nhà kho trong cơ sở kinh doanh vật liệu xây dựng của mình gần Vicenza, sau khi không đòi được nợ. Ba tuần trước đó, nhà thầu Giovani Schiavon, 59 tuổi, tự bắn vào đầu tại trụ sở công ty xây dựng vùng ngoại ô Padua vì đang lâm vào cảnh nợ nần như chúa Chổm.

 

 

Cũng giống như Tamiozzo và Schiavon, nhiều doanh nhân Italia đã tìm đến cái chết trước viễn cảnh kinh tế cực kỳ ảm đạm. Những người khác - như là viên chức hưu trí 77 tuổi dùng súng tự sát ngay bên ngoài trụ sở Quốc hội Hy Lạp vào ngày 4/4 vừa qua - biến nỗi tuyệt vọng cá nhân thành sự giận dữ công khai chống lại những nhà lãnh đạo đã không chống đỡ nổi cơn bão khủng hoảng kinh tế quét qua châu Âu.

 

 

Một bức tranh ảm đạm về hiện tượng doanh nhân tự sát lan tràn cho thấy rõ một số quốc gia nằm ở "tuyến đầu" của cuộc khủng hoảng kinh tế đang chịu đựng những điều tồi tệ nhất. Theo số liệu thống kê của chính quyền Hy Lạp, tỷ lệ nam giới tự sát tăng hơn 24% từ năm 2007 đến 2009. Trong cùng thời kỳ, tỉ lệ nam giới tự sát ở Ireland tăng hơn 16%; còn ở Italia tăng 52% - từ 123 vụ năm 2005 lên đến 187 vụ năm 2010.

 

 

Theo các nhà nghiên cứu, xu hướng tự sát càng tăng mạnh trong năm nay khi chính quyền đề ra những biện pháp khắc khổ đẩy nhiều doanh nghiệp vào con đường phá sản. David Stuckler - nhà xã hội học Đại học Cambridge lãnh đạo cuộc điều tra được công bố trên tờ The Lancet - cho biết tỷ lệ doanh nhân tự sát tăng  mạnh nhất ở các quốc gia bị cuộc khủng hoảng tác động nghiêm trọng như là Hy Lạp và Ireland, và biện pháp khắc khổ càng biến cuộc khủng hoảng thành trận dịch hoành hành khắp châu Âu hiện nay.

 

 

Veneto, khu vực đầu tàu của sự tăng trưởng kinh tế Italia trong thập niên 90 thế kỷ trước, chịu ảnh hưởng nặng nề nhất trong cuộc khủng hoảng. Tại khu vực này - bao gồm 3 thành phố Treviso, Vicenza và Padua - hơn 30 chủ doanh nghiệp nhỏ tự tìm đến cái chết trong 3 năm qua do  làm ăn thất bát, mất nhiều hợp đồng kinh doanh, thua sút trong cuộc cạnh tranh khốc liệt với Trung Quốc và ngân hàng không cho vay tiền nữa.

 

 

Mới đây, tình trạng thảm hại này đã lan đến Bologna, Catania và cả Rome. Trong tháng 4, vụ tự sát của Mario Frasacco, 59 tuổi, chủ công ty mặt hàng nhôm ở Rome, đã gây sốc cho Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ của thành phố, nơi ông là thành viên trong ban điều hành. Trước đó, Chủ tịch Hiệp hội Erno Colombi và các thành viên thấy ngạc nhiên khi Frasacco bất ngờ hủy chuyến bay tìm hợp đồng kinh doanh dự kiến trong tháng 5 đến Dubai. Sau bi kịch, hiệp hội đã tổ chức một đêm tưởng niệm các nạn nhân của cuộc khủng hoảng kinh tế ở Rome.  

 

 

Còn ở Ireland, theo điều tra của Quỹ Nghiên cứu tự sát quốc gia (NSRF), hiện tượng thường xảy ra đối với nam giới trong độ tuổi 36. Ella Arensman, Chủ tịch NSRF, cho biết gần 40% là người thất nghiệp, và 32% là nam giới làm việc trong môi trường xây dựng. Nhìn chung, các nạn nhân gặp phải những vấn đề như là khó khăn tài chính, không việc làm, các mối quan hệ đổ vỡ và cảnh cô đơn. Trên khắp châu Âu, những người bị tác động mạnh nhất là nam giới chưa lập gia đình và lạm dụng rượu cũng là yếu tố tiêu cực.

 

 

 

George Mordaunt, 44 tuổi, chủ doanh nghiệp gia đình kinh doanh ôtô ở Clonmel, miền Nam Ireland, cũng từng có ý định tự sát khi cuộc khủng hoảng kinh tế bùng nổ vào năm 2008. Cuối cùng, Mordaunt quyết định thành lập dịch vụ tư vấn gọi là Insight để giúp đỡ những người đang gặp rắc rối vay vốn ngân hàng. Thậm chí trong một số trường hợp cơ quan nhà nước không thanh toán nợ cho những doanh nghiệp đang xoay sở trong chật vật.

 

 

Massimo Nardin, người phát ngôn của Sở Thương mại Padua cho biết, nhiều cơ quan nhà nước thiếu tiền các doanh nghiệp nhỏ lên đến con số hàng trăm tỉ USD. Còn theo Marco Beltrandi, nhà lập pháp của đảng Cấp tiến, trung bình các cơ quan chính quyền Italia thanh toán hóa đơn trong vòng 180 ngày, nhưng trong khu vực y tế thời gian có thể kéo dài đến 2 hoặc thậm chí 3 năm - một trong những kỷ lục ở châu Âu. Beltrandi đánh giá số nợ tồn đọng của cơ quan nhà nước trong khoảng 118,3 tỉ cho đến 131,5 tỉ USD!

 

 

David Schiavon, lãnh đạo Tổ chức từ thiện Caritas thuộc Giáo hội Công giáo La Mã ở thành phố Treviso,  mới đây đã cho khởi động chương trình hỗ trợ những doanh nhân đang đối mặt với vô vàn khó khăn về tài chính. Các nhà khoa học xã hội giải thích một số quốc gia, như Thụy Điển và Phần Lan, tránh được làn sóng tự sát của các chủ doanh nghiệp trong thời kỳ suy thoái kinh tế do họ cố gắng đầu tư vào các dự án thị trường lao động giúp những người gặp khó khăn có điều kiện đứng vững trên đôi chân của mình. Và tại một số nơi, các nhóm công tác xã hội và từ thiện cũng hết sức cố gắng cung cấp nhiều sự hỗ trợ về tinh thần cùng với các chiến dịch cảnh báo ngăn ngừa tự sát tràn lan.

 

 

Ở Ireland, hai xứ đạo Saint Peter và Paul ở Clonmel tổ chức hội nghị chuyên đề về các chủ đề như "Tự sát trong thời kỳ kinh tế suy thoái". Những đường dây nóng ngăn ngừa tự sát được lắp đặt tại các trạm xăng trên con đường dẫn đến Dublin, và nhiều nhân vật tiếng tăm tổ chức những buổi nói chuyện về vấn đề tự sát. Tổng thống Ireland, các ngôi sao môn bóng bầu dục và ca sĩ Adam Clayton của ban nhạc U2 cũng có mặt. Hay ở Veneto, Italia, Stefano Zanatta thành lập nhóm hỗ trợ những doanh nhân gặp khó khăn trong kinh doanh.

 

 

Theo DT

 

 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo