Châu Âu: Thay đổi chính sách chống khủng hoảng
Phát biểu tại một cuộc hội thảo ở Vienna (Áo) tuần trước, người từng đoạt giải Nobel kinh tế 2001, ông Joseph Stiglitz, không ngần ngại cho rằng, chính sách khắc khổ mà châu Âu đang tự áp đặt với chính mình, không hơn không kém là một hình thức “tự vẫn tập thể” về kinh tế.
Theo ông Stiglitz, khi áp dụng các biện pháp thắt lưng buộc bụng, tăng trưởng sụt giảm, bội chi ngân sách sẽ gia tăng. Do vậy, giải pháp của châu Âu chỉ đem lại thất nghiệp. Do đó, mục tiêu lấy lại cân bằng trong cán cân thu chi của nhà nước lại càng khó khăn.
Ông Stiglitz cho rằng đây là thời điểm để những nền kinh tế đang phát triển nhất ở châu Âu đẩy mạnh đầu tư vào hạ tầng cơ sở, vào giáo dục và kích thích các lĩnh vực công nghệ tiên tiến.
Ngày 3/5, tại cuộc họp của ECB tại Barcelona, Chủ tịch ECB ông Mario Draghi đã kêu gọi tập trung vào tăng trưởng đưa châu Âu vượt khó. Trước đó, ông Draghi đã nhìn nhận những giới hạn của chính sách khắc khổ và lần đầu tiên người đứng đầu ECB nêu khả năng thiết lập “hiệp ước tăng trưởng cho toàn khối”.
Đây là sự thay đổi bất ngờ bởi từ trước tới nay, ECB luôn chủ trương thắt lưng buộc bụng. Ngay sau đó, Thủ tướng Đức Angela Merkel đồng ý đưa vấn đề tăng trưởng vào chương trình nghị sự thượng đỉnh châu Âu dự kiến diễn ra vào ngày 28/6 tới. Giới quan sát cho rằng đây là một cử chỉ nhượng bộ của Đức khi hơn 2 năm nay, bà Merkel luôn loại bỏ mọi sáng kiến muốn đưa châu Âu ra khỏi khủng hoảng bằng phương pháp kích cầu. Trong quan niệm của Đức, châu Âu chỉ có thể ổn định kinh tế một khi xua tan đe dọa mất khả năng thanh toán nợ. Theo nhiều nhà kinh tế, châu Âu không có sự chọn lựa nào khác ngoài hướng đến tăng tưởng khi tỷ lệ thất nghiệp của Tây Ban Nha lên tới 24,44% và quốc gia này một lần nữa lại rơi vào suy thoái. Cho đến nay, tình hình kinh tế Đức luôn sáng sủa hơn so với các nước láng giềng, thế nhưng, giờ đây, một số dấu hiệu tiêu cực bắt đầu xuất hiện trong nền kinh tế số một châu Âu.
Ngày 4/5, trong hội thảo về đầu tư vào châu Phi tại Rio de Janeiro, cựu Tổng thống Brazil, Luiz Lula da Silva đã phản đối cách các nước giàu giải quyết cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới khi bắt người dân thắt lưng buộc bụng để một nhóm nhỏ hưởng lợi từ hệ thống tài chính.
Italia và Hy Lạp càng siết chặt chi tiêu công thì toàn cảnh kinh tế càng đen tối. Tệ hơn nữa là mục tiêu giảm bội chi ngân sách và nợ công vẫn không hoàn thành để cho phép các nước đang gặp khó khăn có thể đi vay với lãi suất nhẹ hơn. Bỉ và Bồ Đào Nha vừa thông báo không thể hoàn thành những mục tiêu giảm thâm hụt ngân sách nhà nước như đã cam kết. Kinh tế Bồ Đào Nha năm nay sẽ giảm thêm 3%.
Ngày 2/5, Viện Markit có trụ sở chính tại London (Anh), đã công bố các số liệu về kinh tế Đức, theo đó, chỉ số quản lý sức mua (PMI) xuống tới mức thấp nhất từ 33 năm qua, tỷ lệ thất nghiệp tăng. Các số liệu này được đưa ra vào lúc tăng trưởng của Đức có thể chỉ đạt mức 0,7% trong năm nay, 1,6% trong năm 2013, trong khi GDP của Đức trong năm 2011 đạt đến 3%.
Theo nhận định của Viện Markit, việc chỉ số PMI, từ 48,4 điểm trong tháng 3 giảm xuống còn 46,2% trong tháng 4, phản ánh tình trạng sản xuất cũng như khối lượng các sản phẩm đầu tư bị tụt giảm.
Tại Pháp, cả 2 ứng cử viên tổng thống là ông Francois Hollande và Nicolas Sarkozy cùng đưa ra chương trình vận động tranh cử căn cứ vào mục tiêu tăng trưởng là 2% vào năm 2013. Tuy nhiên, tăng trưởng 2012 của Pháp được dự báo chỉ đạt 0,7% và trong trường hợp khả quan nhất thì GDP sẽ tăng khoảng 1,2% vào năm tới. Tỷ lệ 1,2% đó không đủ để đẩy lui thất nghiệp và cũng không đủ để tổng thống Pháp tương lai giảm tỷ lệ thâm hụt ngân sách nhà nước xuống còn 3% như quy định của châu Âu.
Trong cương lĩnh tranh cử của mình, ông Hollande đã lên tiếng kêu gọi bổ sung thêm vế “tăng trưởng” vào hiệp ước ngân sách của châu Âu. Cách đây chỉ mới vài tuần, đề nghị của ông Hollande đã bị đả kích từ nhiều phía và đặc biệt là từ phía đảng Liên minh vì Phong trào nhân dân (UMP) cầm quyền.
Giờ đây, một số chuyên gia kinh tế cho rằng tiếng chuông đầu tiên được ông Hollande gióng lên đã được châu Âu bắt đầu lắng nghe.
Theo SGGP
End of content
Không có tin nào tiếp theo