Châu Âu thông qua gói kích thích 150 tỉ USD
Biện pháp ổn định tài chính này cho đến trước đó vẫn vấp phải sự phản đối quyết liệt của nhiều nước, đặc biệt là Đức.
Kết thúc Hội nghị thượng đỉnh châu Âu vào sáng 29/6, Chủ tịch Liên minh châu Âu (EU) Herman van Rompuy đã loan báo về việc thiết lập một cơ chế nhằm tái cấp vốn trực tiếp cho các ngân hàng với một số điều kiện, thông qua các quỹ hỗ trợ của Quỹ cứu trợ khẩn cấp châu Âu và Cơ chế ổn định châu Âu.
Cơ chế giám sát tài chính duy nhất sẽ được thiết lập, trong đó “Ngân hàng Trung ương châu Âu sẽ nắm vai trò chủ chốt” - như Chủ tịch Ủy ban châu Âu José Manuel Barroso nêu rõ.
Ngoài ra, khối đồng euro cũng sẽ sử dụng linh hoạt các quỹ cứu trợ khác khi rót cho Ngân hàng Đầu tư châu Âu (EIB) gần 13 tỉ USD. EIB có thể sử dụng nguồn vốn này để tăng nguồn vốn cho vay và tài trợ các dự án cơ sở hạ tầng của EU.
Theo ông Rompuy, gói kích thích này có thể sử dụng để mua trái phiếu hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ ở các nước dễ bị tổn thương do khủng hoảng tài chính trong khu vực.
Pháp và Đức ủng hộ gói kích thích tăng trưởng này. Đối với Tổng thống Pháp François Hollande, đây từng là chương trình tranh cử của ông.
“Tôi hi vọng chúng ta sẽ đưa ra được một quyết định cho phép giúp đỡ các nền kinh tế đang rơi vào khó khăn. Đó phải là những giải pháp trợ giúp khẩn cấp các nước đang nỗ lực củng cố hệ thống tài chính công của họ”-Reuters dẫn lời ông Hollande.
Về phía Đức, Thủ tướng Angela Merkel cũng đang cần có hiến chương được gọi là tăng trưởng này để có thể nhận được sự hậu thuẫn của đảng đối lập SPD và Đảng Xanh trong cuộc bỏ phiếu ngày 29/6 về kế hoạch thắt chặt kỷ luật tài chính tại quốc hội.
Theo Tuổi trẻ
End of content
Không có tin nào tiếp theo