Thị trường

Chạy đua lãi suất huy động: Ngân hàng luôn nắm đằng chuôi

Lãi suất đầu vào (dưới 12 tháng) giảm còn 9%/năm, các doanh nghiệp kỳ vọng lãi suất cho vay giảm. Tuy nhiên, nhiều ngân hàng nhỏ chạy đua lãi suất huy động kỳ hạn dài. Khi nào doanh nghiệp mới tiếp cận được vốn vay rẻ?

Đua lãi suất kỳ hạn dài

 

Cuối tuần trước, thị trường xôn xao khi Ngân hàng Phương Tây (Western Bank) đột ngột đẩy mức lãi suất huy động VND cho kỳ hạn duy nhất 13 tháng lên tới ngưỡng 14%/năm.

 

Sự việc này nhanh chóng bị xem là hiện tượng, thậm chí khiến nhiều người không khỏi e ngại mốc lãi suất đỉnh sẽ “châm ngò” cho một cuộc đua lãi suất mới.

 

Nhất là khi lần giở lại thời kỳ lãi suất đang chạy đua, tham khảo báo cáo tài chính năm 2011 tại ngân hàng này, lãi suất cho vay cao nhất từng ghi nhận mức khủng khiếp tới 29%/năm.

 

Tuy nhiên, hôm qua, Western Bank đã có thông báo mới công bố áp mức lãi suất huy động kỳ hạn 13 tháng xuống còn 12,5%/năm, thay cho mức 14%/năm hôm 14/6.

 

“Động thái hạ lãi suất của ngân hàng đã khiến cả thị trường thở phào. E ngại về một cuộc chạy đua nâng lãi suất huy động kỳ hạn dài có thể sẽ không xảy ra”- Tổng giám đốc một ngân hàng cổ phần nhận định.

 

Chia sẻ với PV, một đại diện Ngân hàng Nhà nước cho hay bản thân Ngân hàng Nhà nước đang theo rất sát thị trường, không việc gì phải nóng vội trước hiện tượng đơn lẻ trên. Theo ông cần phải nhìn nhận rõ sẽ không mấy khách hàng chọn kỳ hạn dài.

 

Theo quy định mới của Ngân hàng Nhà nước, mức trần 9%/năm sẽ chỉ được áp dụng cho các khoản tiền gửi kỳ hạn ngắn từ 1-12 tháng. Còn đối với các kỳ hạn trung - dài hạn trên 12 tháng ngân hàng được tự thỏa thuận mức lãi đối với khách hàng gửi tiền.

 

Thống kê đến thời điểm này, hầu hết các ngân hàng đều ấn định mức lãi suất ở các kỳ hạn dài từ 9,5-12%. Đơn cử biểu lãi suất của ACB đã tăng mạnh lãi suất huy động VND ở các kỳ hạn dài, từ 12-36 tháng từ 10,4%-12%/năm; riêng mức cao nhất 12%/năm lĩnh lãi cuối kỳ có ở kỳ hạn 36 tháng.

 

Tại Sacombank, biểu lãi suất cập nhật trong ngày 13-6 cũng có mức cao nhất 12%/năm lĩnh lãi cuối kỳ ở các kỳ hạn 24 và 36 tháng; mức 11%/năm có ở kỳ hạn 13, 15 và 18 tháng.

 

Biểu lãi suất của VPBank áp dụng từ ngày 11/6, các kỳ hạn tiền gửi từ 12 tới 36 tháng đều ở mức 10,5%/năm...

 

Một chuyên gia phân tích: “Chuyện chạy đua lãi suất chỉ xảy ra khi các ngân hàng gặp khó về thanh khoản và đồng thời họ được tăng trưởng tổng tài sản một cách thoải mái. Còn lãi suất liên ngân hàng rẻ vài phần trăm, thì dại gì phải đi vay cao ở bên ngoài. Thanh khoản hiện nay tương đối dồi dào. Thống đốc vẫn khống chế tín dụng, gián tiếp khống chế tổng tài sản. Thống đốc cho phép tự do hóa trần trung và dài hạn, không ai dại gì để chạy đua”.

 

Cũng theo vị chuyên gia này, hiện tượng Western Bank đột ngột đẩy kỳ hạn 13 tháng lên cao rồi lại hạ xuống đã cho thấy mức lãi suất đó khó nhận được sự hưởng ứng của giới ngân hàng còn lại và chỉ khiến người ta nhìn ngân hàng này với sự e ngại hơn.

 

“Săn” doanh nghiệp tốt

 

 

Lãi suất huy động từ 11% năm, sau 3 ngày nhảy vọt lên 14% năm Ảnh: M.Đ
Lãi suất huy động từ 11% năm, sau 3 ngày nhảy vọt lên 14% năm.  Ảnh: M.Đ .

 

 

 

Chủ tịch Hội đồng quản trị thành viên Agribank Nguyễn Ngọc Bảo kể: “Chúng tôi có khách hàng là một ông chủ nuôi gà, cần vốn, vay hai tỷ đồng. Căn cứ trên điều kiện cần và đủ ngân hàng đã cho vay với lãi suất 15%. Khách hàng nhận vốn rất vui mừng mà không hề đắn đo hay phàn nàn gì về lãi suất. Một hộ nuôi ba ba ở Lương Sơn, đang vay với mức đó cũng không kêu ca”. Vậy vấn đề ở đây là gì? Vị chủ tịch này chỉ ra: “Trong điều kiện cạnh tranh, ngân hàng đang nhìn các doanh nghiệp tốt một cách tích cực, chứ không hề gây khó dễ. Hiện các ngân hàng thương mại không hề “thắt chặt” mà thậm chí có dễ hơn so với cách đây ít thời gian”.


Lãi suất vay bao giờ thực hạ?


Liên quan đề nghị giảm lãi cho vay cũ để giải quyết khó khăn của nhiều doanh nghiệp, đại diện các ngân hàng đều cho rằng: Trước đây lãi suất huy động ở mức cao, nếu cộng cả khuyến mại cũng rất cao, vì thế nếu hạ lãi suất đầu vào bây giờ thì lãi suất cho vay của ngân hàng không thể giảm ngay. Ngân hàng Nhà nước cũng không thể đưa ra quyết định bắt ngân hàng giảm lãi suất cho vay. Đây là hợp đồng tín dụng hai bên cùng chia sẻ rủi ro. Tuy nhiên, các khách hàng tốt vay vốn ngắn hạn đã được hưởng lãi suất mới.

Làm thế nào để doanh nghiệp tiếp cận vốn rẻ, ông Nguyễn Ngọc Bảo cho rằng: “Không nên quá sốt ruột, các hoạt động kinh tế bao giờ cũng có lộ trình và chính sách có độ trễ không thể vừa ra đã “ăn” ngay được. Dự báo trong nửa cuối tháng 6 và sang tháng 7, dư nợ sẽ tăng lên và đó là thời điểm lãi suất bắt đầu chính thức hạ mạnh”- ông Bảo nói.

 

Như để minh chứng, ông Bảo diễn giải: năm tháng đầu năm, tín dụng của Agribank tăng 1,5% trong đó riêng nông thôn tăng 2,4%. Ngân hàng đang triển khai nhiều chính sách, mở rộng cho vay “lưu vụ”, cho vay đến hạn chỉ trả hết lãi rồi vẫn được giữ nợ cũ để vay tiếp mà không phải chuyển nợ.

 

Theo ông Bảo, đã đến lúc rất cần có một cách nhìn “rộng” hơn với đối tượng doanh nghiệp. Nhiều người kêu ca tiếp cận vốn rất khó vì các điều kiện ngân hàng đưa ra rất nhiều, để đạt lãi suất mong muốn thì rất khó.

 

Nhưng thực tế là với năm, sáu nghìn tỷ đưa ra, các ngân hàng không hề tăng thêm bất cứ điều kiện nào. Thậm chí đối với những khách hàng tốt mà khó khăn, nhiều ngân hàng sẵn sàng cơ cấu lại nợ.

 

Theo ông Phạm Quang Tùng, Phó tổng giám đốc BIDV, ngân hàng này đã giảm mạnh lãi suất đầu ra. Thực tế nhiều khách hàng tốt cũng đã được BIDV điều chỉnh ngay trên hợp đồng.

 

“Một số doanh nghiệp kêu cao, chủ yếu tập trung vào số ít các doanh nghiệp hoạt động kinh doanh không tốt, khả năng phục hồi không cao.

 

Các ngân hàng thương mại luôn có chính sách mời chào, ưu đãi các doanh nghiệp phát triển. Giai đoạn hiện nay có thể coi là thời điểm “sát hạch”, loại đi những doanh nghiệp làm ăn không tốt, không đáng tồn tại”- Ông Tùng nói.

 

“Các doanh nghiệp tốt thì ngân hàng đã săn đón từ lâu rồi và cạnh tranh nhau để giảm” - ông Nguyễn Hưng, Tổng giám đốc VPBank cho biết. Liên quan đến việc doanh nghiệp kêu khó tiếp cận vốn, theo ông Hưng, đúng là hiện ngân hàng cho vay ra thì không cho vay được, gửi trên liên ngân hàng thì lỗ nặng nhưng sẽ không có chuyện đẩy vốn ra ồ ạt vì thừa vốn. “Với những doanh nghiệp làm ăn không tốt thì chúng tôi phải thận trọng. Nếu không, khi đó ngân hàng phải gánh hậu quả nặng nề” .

 

Theo TP

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo