Chê dân gian, tham nhũng thì sao?
Lớp thảm bêtông nhựa nóng hổi vừa rải ra chưa kịp lu lèn đã bị nhiều người dân dùng xẻng kéo vào đường dân sinh...
Những người dân Lệ Thủy, (Quảng Bỉnh) ào ra công trình xây dựng đường Quốc lộ 1A lấy vật liệu về làm đường trước cửa nhà mình, tấn công cả công nhân. Nghe chuyện này, nhiều người trách họ: “Đúng là dân gian”.
Bài báo “Dân lấy vật tư thi công Quốc lộ 1A để làm đường dẫn vào nhà mình” làm chúng ta nhớ lại vụ hôi bia ầm ĩ ở Biên Hòa (Đồng Nai) hồi năm 2013. Bởi bản chất vụ việc này cũng không có gì khác cả.
Bài báo cho biết: “Nhiều nhà thầu thi công Quốc lộ 1A đoạn qua huyện Lệ Thủy và Quảng Ninh (Quảng Bình) bị thất thoát lượng lớn vật tư gồm đất, đá, bêtông nhựa… do người dân ngang nhiên lấy đưa vào nhà, hoặc dùng ngay làm đường dân sinh.
Sáng 29/7, công nhân của nhà thầu Phúc Lộc tiến hành rải thảm bêtông nhựa, lớp cuối cùng để hoàn thành tuyến Quốc lộ 1A đoạn qua xã Hồng Thủy, huyện Lệ Thủy, Quảng Bình. Tuy nhiên, công việc luôn bị gián đoạn vì người dân ra chặn xe rải thảm để lấy bêtông nhựa.
Lớp thảm bêtông nhựa nóng hổi vừa rải ra chưa kịp lu lèn đã bị nhiều người dân ở đây dùng xẻng kéo vào đường dân sinh, tạo nên hố rộng gần 2 m nham nhở. Cách đó khoảng 50 mét, hàng chục người chuẩn bị sẵn cuốc, cào, xẻng chờ chiếc xe chở bêtông đến, rồi lao vào tranh nhau xúc. Một người đàn ông dùng xe cút kít xúc bê tông nhựa và lặng lẽ chở đi từng xe đầy ắp”.
Còn nữa, trước đó, do ngăn cản dân, một công nhân khác đã bị đánh đến nhập viện. Không chỉ tự ý lấy vật tư để làm đường nối dân sinh, người dân còn lấy đất, đá cấp phối… trữ thành đống ở trước sân, trong vườn. Thậm chí, nhiều đoạn đá cấp phối được rải hoàn chỉnh bị người dân dùng cuốc xẻng đào xúc đi.
Lý lẽ người dân ở Quảng Bình đưa ra là: “Chúng tôi chỉ lấy một vài xẻng để đắp đường đi vào nhà. Quốc lộ hoàn thành rồi, nếu không làm đường dân sinh ngay thì làm sao chắc chắn sau này họ sẽ thi công đường nối cho chúng tôi”.
Câu chuyện là thế đấy. Về bản chất hành vi cũng chẳng khác gì vụ hôi bia, đổ xô ra đường lấy của người khác về nhà mình, lấy cho xóm mình. Hẳn nhiên, đó là một việc cần lên án, rất đáng trách, thậm chí là vi phạm pháp luật.
Rất đông người đọc xong bài báo đã lên án họ, “đúng là dân gian”, có người đã kết luận như vậy. Có người quy kết vùng miền cho dân miền Trung. Đọc những lời lẽ ấy, chắc ai cũng cảm thấy buồn cho người Việt mình.
Nhưng rất ít người đặt ra câu hỏi: “Vì sao mà dân lại gian?” và lý giải nó cặn kẽ. Cũng những người dân ấy, trong chiến tranh đã không tiếc gì hết, tháo cả cánh cửa nhà mình ra bắc làm đường cho xe bộ đội đi qua hố bom. Cũng những người dân miền Trung ấy, họ đã từng không tiếc mạng người, sức của cho cái chung lớn lao của dân tộc. Tại sao giờ họ lại trở nên như vậy?
Tôi nghĩ, phải chăng họ phần nào đã không còn tin vào lẽ phải và sự công bằng, đến nỗi xóa nhòa luôn ranh giới đúng, sai; tốt, xấu và dần dần trở nên ích kỷ, vụ lợi.
Hãy nghĩ mà xem, liệu có giống như cảnh “Mèo tha miếng thịt xôn xao” không? Những đại án tham nhũng càng ngày càng vỡ ra đem đến cho người dân một cảm giác bức xúc. Những con số ngàn tỷ, trăm tỷ bị thất thoát trong những công trình, dự án, những “ông lớn” đã ra tòa thời gian qua và nhiều “ông lớn” còn chưa bị lộ. Những dinh thự bề thế như lâu đài của các cựu quan chức mà không thể giải thích lý do vì sao đang hàng ngày xuất hiện nhan nhản trên truyền thông. Có thể trong đầu họ xuất hiện ý nghĩ ích kỷ, vụ lợi: “Thôi thì, giờ đến lúc này rồi, phải nhanh chân giành giật cho bản thân, gia đình được tý nào hay tý ấy? ”.
Tôi nghĩ một tâm lý như thế, nếu có nảy sinh cũng là điều không khó hiểu.
Quan lại ngày xưa có trách nhiệm “giáo dân”, triều đình phong kiến luôn nhắc họ vai trò “phụ mẫu”, tức là cha mẹ dân để làm gương cho dân. Cha mẹ mà hư thân đốn đời, trộm cắp tham nhũng thì làm sao con cái nên người?
Buồn thay, ngày càng nhiều những đại án tham nhũng bị đưa ra xét xử. Những công trình bị rút ruột, kém phẩm chất vì kinh phí thực hiện đã bị chia chác. Dân trông thấy cả, biết hết cả, mà không biết làm thế nào để “dạy lại” cho những kẻ tham nhũng những bài học sơ khai làm người.
Thì hậu quả nhãn tiền là những vụ hôi của, ăn trộm tập thể bất chấp pháp luật đã xảy ra. Ý thức người dân kém, nhận thức của họ yếu, đúng vậy, nhưng họ có đáng trách nhiều hơn những kẻ có quyền lực, có trọng trách, có trình độ mà vẫn không thắng được những dục vọng trong mình, vẫn ăn bẩn của công, thu vén cá nhân?
Làm sao bắt người dân phải đạo đức, ngoan ngoãn, nghiêm chỉnh tuân thủ pháp luật nếu có một bộ phận những người làm gương cho họ lại bê bết, gian tham, bất chấp đạo lý?
Vì vậy, dù có thế nào, chúng ta cũng đừng vội trách dân, đừng đổ hết mọi tội lỗi lên đầu họ. Ở đời mọi sự đều “có vay có trả” cả đấy, bạn đọc ạ.
Báo Đất Việt
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Cột tin quảng cáo