Quốc tế

Chê tàu Nga to xác, Phần Lan mua tên lửa Mỹ

Chính phủ Mỹ đã đồng ý bán cho Phần Lan lô tên lửa chống hạm Harpoon và tên lửa phòng không Sparrow trong gói hợp đồng 730 triệu USD.

Nguồn tin này cho biết, trong gói hợp đồng này, Phần Lan sẽ nhận được khoảng 130 đơn vị tên lửa hành trình chống tàu RGM-84Q-4 Harpoon có nhiều sửa đổi với giá 622 triệu USD và số tiền còn lại mua tên lửa đất đối không RIM-7 Sea Sparrow.

Nói về lý do mua sắm của Phần Lan, Defense News dẫn nguồn tin Bộ Quốc phòng nước này cho biết, việc mua sắm có liên quan đến những động thái của Nga gần đây, đặc biệt là vấn đề tăng cường các hoạt động quân sự và tăng chi tiêu quốc phòng của Moscow.

Tên lửa chống hạm Harpoon.

Mặc dù không phải là thành viên của NATO, Phần Lan đã có những động thái để tăng cường mối quan hệ với các đồng minh châu Âu sau khi Nga sáp nhập Crimea vào lãnh thổ liên bang năm 2014.

Theo nguồn tin này, không những vậy, Moscow còn có những tuyên bố sẽ đáp trả xứng đáng nếu những quốc gia hàng xóm có những bước đi cụ thể để gia nhập liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương (NATO).

Điều đặc biệt là sau khi nhận được sự đồng ý của Mỹ về thương vụ tên lửa nói trên, Giáo sư quân sự Đại học Quốc phòng Phần Lan, ông Petteri Lalu có tuyên bố gây bất ngờ rằng, những chiến hạm và tàu ngầm cỡ lớn của Nga chỉ là mục tiêu dễ bị tiêu diệt bằng vũ khí chống hạm của nước này.

Giáo sư Petteri Lalu tuyên bố: "Trong năm qua, Nga muốn chứng tỏ điều gì đó thực sự gây kinh ngạc với thế giới. Và đó là chiếc tàu ngầm hạt nhân Dmitri Donskoy lớn nhất họ có tiến vào Baltic và việc đưa một số chiến hạm thế hệ mới vào trang bị".

Petteri Lalu cho rằng, dù Dmitry Donskoy là chiếc tàu ngầm lớn nhất thế giới nhưng có vẻ như chỉ để gây ấn tượng với truyền thông. Đây chính là cách để Hải quân Nga gây ấn tượng đối với người dân trong nước cũng như thị uy trước những quốc gia hàng xóm mà chiếc tàu ngầm sẽ đi qua trong chuyến hải trình của mình.

 

Nga hy vọng khi Dmitri Donskoy diễu qua lãnh hải một số nước sẽ được truyền thông chú ý đưa tin. "Tất nhiên, nhờ cách thức này, họ trước tiên muốn khoa trương sức mạnh của mình. Tuy nhiên, đây chỉ là còn tàu to xác và dễ bị đánh chìm", vị chuyên gia Phần Lan nhấn mạnh.

Dụng ý của vị Giáo sư này khá rõ ràng nhưng nó khá bất ngờ bởi trong khi số vũ khí Phần Lan mua từ Mỹ chỉ có thể chống tàu nổi và phòng không thì vị chuyên gia này lại dùng chúng làm công cụ răn đe và coi thương tàu ngầm Nga.

Trong khi Phần Lan coi nhẹ sức mạnh của chiếc tàu ngầm hạt nhân lớn nhất thế giới này của Nga thì Mỹ lại có cái nhìn thận trọng khi nói về Dmitri Donskoy lớp Akula.

Hải quân Mỹ cho biết, Nga có loạt tàu ngầm đạt đến trình độ kỹ thuật hoàn hảo và sức mạnh ấn tượng là tàu ngầm hạt nhân lớn nhất thế giới của đề án 941 - lớp Akula với 20 ống phóng tên lửa đạn đạo, với độ lặn sâu 500 mét, thời gian hoạt động liên tục suốt 180 ngày đêm.

Tàu ngầm lớp này được trang bị tên lửa đạn đạo liên lục địa ba tầng, nhiên liệu rắn R-39 Rif hay còn gọi là RSM-52 (NATO: SS-NX-20 Sturgeon).

 

Tên lửa có tầm phóng lên đến 8.500 km, mỗi quả mang theo 10 đầu đạn hạt nhân phân hướng với công suất 100 kiloton, tổng cộng là 200 đầu đạn hạt nhân. Chỉ tính số vũ khí này, những chiếc tàu thuộc lớp Akula của Hải quân Nga đã xứng đáng là tàu ngầm hạt nhân mạnh nhất thế giới.

Nên đọc
Theo Đất việt
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo