Chém cháu bé trộm vặt liệt nửa người: Hành vi đó có dấu hiệu Giết người?
Xung quanh thông tin vụ chủ tiệm tạp hóa chém cháu bé liệt nửa người vì trộm vặt, luật sư Phạm Công Hùng, nguyên thẩm phán TAND Tối cao cho rằng, trong vụ việc này, chưa tìm ra cơ sở cho rằng, chủ tiệm tạp hóa chém cháu bé là phòng vệ chính đáng.
“Phòng vệ chính đáng trong trường hợp cháu bé phải cầm vũ khí tấn công đe dọa chủ tiệm tạp hóa. Đằng này cháu bé không tấn công gì. Trước hết nói về hành vi của cháu bé chỉ sai vì lẻn vào nhà người khác trong đêm khuya để lấy hôp bánh, chai nước. Nếu vậy cũng chưa thể xác định đó là hành vi trộm cắp tài sản được, chưa đủ cấu thành tội phạm.
Trong khi đó, nếu ông chủ tạp hóa khi nghe thấy tiếng van xin và xưng hô là con nhà ai cùng khu phố mà vẫn vung gươm, kiếm chém là hành vi giết người”, luật sư Hùng nói.
Theo luật sư Hùng, cháu bé trong vụ việc này 15 tuổi vẫn là trẻ em, bởi vậy hành vi của ông chủ tạp hóa là rất nguy hiểm và có thể bị xử tội rất nặng.
“Không thể dùng vụ án này soi vào vụ án kia mà phải dùng các quy định của pháp luật soi vào hành vi. Theo như lời cháu bé nói khi quỳ xuống van xin ông chủ tạp hóa vẫn chém và nói "tao chém chết mày". Như vậy, hành vi vung kiếm chém cháu bé hoàn toàn là lỗi của chủ tạp hóa, không có lỗi của cháu bé bởi trên người cháu không mang theo vũ khí gì và hơn hết cháu vẫn là 1 đứa trẻ”, luật sư Hùng cho biết thêm.
Căn cứ vào những lời khai của cháu bé, vị nguyên thẩm phán TAND Tối cao cho rằng, lời khai này có cơ sở để chấp nhận và động cơ, hành vi của ông chủ đều phù hợp với nhau, thông tin trên Đất Việt.
Theo luật sư Nguyễn Anh Thơm (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), tính mạng con người là điều cao quý nhất, mọi hành vi xâm hại đến tính mạng, sức khỏe con người trái pháp luật đều bị xử lý nghiêm minh, trừ trường hợp phòng vệ chính đáng hoặc tình thế cấp thiết.
Xét hành vi của ông Phương đã sử dụng hung khí chém liên tiếp nhiều nhát vào nạn nhân, trong đó có vào vùng trọng yếu (đầu) gây thương tích với tỷ lệ thương tật 61% đã gây nguy hiểm đến tính mạng được pháp luật bảo vệ.
Hành vi này của chủ nhà đã có dấu hiệu phạm tội “Giết người” theo Điều 93 BLHS. Trường hợp nạn nhân không chết vẫn phải chịu trách nhiệm phạm tội chưa đạt theo Điều 18 BLHS.
“Hành vi của ông Phương không thể gọi là phòng vệ. Hành vi của ông Phương trong tình huống này là hành vi vượt quá phòng vệ chính đáng”, ông Thơm cho biết trên Pháp luật Plus.
Thư đã đưa tin, đêm 23/11, ông Lê Minh Phương (50 tuổi, trú tại tổ dân phố Hạ 9, phường Tây Tựu, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) phát hiện cháu Nguyễn Đăng Tùng (15 tuổi, trú cùng khu phố Hạ 9) đột nhập vào tiệm tạp hóa nhà mình nên đã dùng thanh kiếm sắt đầu nhọn chém nhiều nhát khiến Tùng bị thương phải nhập viện cấp cứu, tỷ lệ tổn hại sức khỏe 61%.
Tại cơ quan điều tra, ông Phương thừa nhận do bị mất trộm nhiều lần nên khi thấy kẻ lạ đột nhập vào nhà, không kiềm chế được bản thân nên ông đã dùng kiếm sắt (có đầu nhọn, chuôi bằng gỗ dài 99cm, rộng khoảng 4cm) để ra tay.
Trong khi đó, được biết, Tùng vào nhà ông Phương là do đói bụng muốn lấy hộp bánh, bim bim để ăn. Nhưng phía gia đình ông Phương cho rằng kẻ trộm muốn lấy tiền.
Hiện sự việc đang tiếp tục được điều tra, xử lý.
End of content
Không có tin nào tiếp theo