Chênh lệch giàu nghèo chưa được thu hẹp
Mục tiêu: Đảm bảo
Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo Trung ương về giảm nghèo bền vững, kết quả thực hiện nhiệm vụ năm 2014, nhìn chung được đánh giá là mục tiêu giảm nghèo đã đảm bảo kế hoạch đề ra.
Tổng hợp báo cáo sơ bộ của các địa phương, đến cuối năm 2014, tỷ lệ hộ nghèo cả nước giảm còn xấp xỉ 6%, riêng tỷ lệ hộ nghèo ở các huyện nghèo giảm bình quân 5%/năm.
Các chính sách giảm nghèo đã tiếp tục phát huy tác dụng, hỗ trợ có hiệu quả cho hộ nghèo, người nghèo.
Kết quả đáng chú ý là chính sách khám chữa bệnh cho người nghèo. Năm 2014, ngân sách đã bố trí khoảng 12.822 tỷ đồng để thực hiện mua thẻ bảo hiểm y tế cho người nghèo, dân tộc thiểu số, đối tượng bảo trợ xã hội, trẻ em dưới 6 tuổi và người cận nghèo, học sinh sinh viên.
Ngoài ra, hỗ trợ học sinh nghèo về giáo dục - đào tạo, ngân sách trung ương cũng đã bố trí trên 7.085 tỷ đồng để thực hiện chính sách miễn giảm học phí cho học sinh nghèo, trợ cấp học bổng cho học sinh dân tộc thiểu số, học sinh bán trú và trường dân tộc bán trú.
Nhìn chung các chính sách giáo dục - đào tạo đối với học sinh nghèo tương đối hệ thống, toàn diện, tuy nhiên do còn thiếu đồng bộ, ở một số địa phương thực hiện chưa tốt nên hiệu quả chưa cao.
Trong lĩnh vực đào tạo nghề, giải quyết việc làm, xuất khẩu lao động, năm 2014 đã có khoảng 60 ngàn lao động nghèo được đào tạo nghề miễn phí gắn với tạo việc làm. Riêng ngân sách bố trí trong năm 2014 cho chương trình xuất khẩu lao động là 60 tỷ đồng.
Về hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, tính đến cuối năm 2013, đã có trên 530 ngàn hộ nghèo được hỗ trợ và 700 hộ nghèo được hỗ trợ nhà phòng tránh lũ. Do chính sách hợp lý, huy động được các nguồn hỗ trợ nên quy mô, chất lượng nhà ở được bảo đảm, giúp hộ nghèo có cuộc sống ổn định hơn.
Trong năm 2014 cũng đã thực hiện cho 433.192 lượt hộ nghèo vay vốn, với doanh số hơn 9.577 triệu đồng và 502.420 lượt hộ cận nghèo vay vốn, với doanh số hơn 10.544 đồng.
Riêng chính sách cán bộ đối với các huyện nghèo các địa phương đã thu hút được 467 cán bộ và hơn 1.000 trí thức trẻ tình nguyện, với kinh phí thực hiện trên 10 tỷ đồng.
Đến nay, các trí thức trẻ tình nguyện và cán bộ thu hút về các huyện nghèo đã cơ bản ổn định, thích nghi với môi trường làm việc mới và đã có nhiều đóng góp trong việc thực hiện, triển khai các chính sách của Đảng và Nhà nước đối với công tác xóa đói giảm nghèo tại nơi công tác.
Hộ nghèo dân tộc thiểu số cao
Tuy nhiên vẫn theo đánh giá của Ban Chỉ đạo Trung ương về giảm nghèo bền vững, kết quả giảm nghèo chưa vững chắc, tỷ lệ tái nghèo hàng năm còn cao, chênh lệch giàu - nghèo giữa các vùng, nhóm dân cư chưa được thu hẹp, nhất là khu vực miền núi phía Bắc và Tây Nguyên.
Khoảng cách chênh lệch về mức độ nghèo có xu hướng tăng hơn. Khu vực Tây Nguyên, năm 2010 tỷ lệ hộ nghèo cao gấp 1,53 lần so với bình quân của cả nước, năm 2012 con số này gấp 1,6 lần. Khu vực miền núi phía Bắc, năm 2010, tỷ lệ hộ nghèo cao gấp 2,34 lần so với bình quân của cả nước, năm 2012 con số này là 2,52 lần.
Mặc dù tỷ lệ nghèo đã giảm nhanh ở các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc, nhưng nhiều nơi tỷ lệ nghèo vẫn còn trên 50%, cá biệt còn trên 60-70%. Số hộ nghèo là dân tộc thiểu số chiếm gần 50% tổng số hộ nghèo trong cả nước, thu nhập bình quân của hộ dân tộc thiểu số chỉ bằng 1/6 mức thu nhập bình quân của cả nước.
Chính sách giảm nghèo tương đối toàn diện, bao trùm mọi mặt đời sống của người nghèo, dân tộc thiểu số nhưng còn dàn trải, phân tán, khó thực hiện, hiệu quả chưa cao.
Về huy động nguồn lực tuy đã đạt được những kết quả tốt, nhưng trong thực hiện vẫn chưa khai thác, huy động được nhiều nguồn lực tại chỗ, chưa phát huy được nội lực trong dân và chính người nghèo.
Quan điểm trông chờ, ỷ lại vào vào nguồn vốn ngân sách vẫn còn tồn tại không ít ở một số địa phương và người nghèo. Mặt khác, trong bối cảnh kinh tế suy thoái, hoạt động kinh doanh gặp khó khăn, hạn chế đến việc huy động nguồn lực hỗ trợ cho giảm nghèo ở các doanh nghiệp.
Địa thế khó khăn
Như đã nói, tuy tốc độ giảm nghèo ở khu vực miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số những năm qua cao hơn mức giảm bình quân của cả nước, nhưng đến nay tỷ lệ nghèo ở khu vực này vẫn còn cao hơn nhiều so với mức trung bình của cả nước.
Đó là do tỷ lệ hộ nghèo đầu kỳ cao hơn nhiều so với mức bình quân của cả nước, xuất phát điểm về điều kiện kinh tế - xã hội thấp, mặt bằng dân trí nói chung còn hạn chế.
Cũng còn do địa hình hiểm trở, chia cắt phức tạp, thời tiết khắc nghiệt, thường xuyên chịu ảnh hưởng của thiên tai, lũ lụt, đòi hỏi suất đầu tư lớn. Đặc biệt trình độ sản xuất của đồng bào vẫn còn dựa trên nền tảng đơn giản lạc hậu chủ yếu là quảng canh, tự cấp, tự túc, dựa vào thiên nhiên.
Tuy Quốc hội, Chính phủ đã tập trung ưu tiên nguồn lực cho khu vực miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số nhưng chưa đáp ứng được so với nhu cầu thực tế
Giảm chính sách cho không
Công tác xóa đói giảm nghèo năm 2015 được xác định tập trung đẩy mạnh thực hiện các chính sách, dự án giảm nghèo theo hướng bền vững, tăng cường khả năng tiếp cận của đối tượng thụ hưởng và sự tham gia của người nghèo. Phấn đấu đạt và vượt mục tiêu giảm nghèo theo Nghị quyết số 10/2011/QH13 của Quốc hội, giảm tỷ lệ hộ nghèo trong cả nước còn dưới 5%, các huyện nghèo còn dưới 30%.
Riêng giai đoạn 2016-2020, đẩy nhanh tốc độ giảm nghèo, hạn chế tái nghèo, cải thiện đời sống, tăng thu nhập của người dân đặc biệt là ở các huyện nghèo, xã nghèo, tạo điều kiện cho người nghèo, hộ nghèo tiếp cận một cách tốt nhất đến các dịch vụ xã hội cơ bản
Tăng khả năng tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản cho người nghèo, cận nghèo như dịch vụ y tế, giáo dục, điều kiện sống cơ bản, thông tin, bảo hiểm, trợ giúp xã hội. Cơ sở hạ tầng các huyện, xã nghèo được củng cố, tăng cường. Thu nhập của nhóm hộ nghèo tăng 2 lần so với năm 2015.
Tiếp tục ưu tiên cả chính sách, nguồn lực cho vùng có tỷ lệ nghèo cao, khu vực miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Nhưng chỉ hỗ trợ những việc người dân không có khả năng làm, hướng tới hỗ trợ thông qua cộng đồng để mang lại hưởng lợi cho nhiều người, tạo sự lan tỏa, thúc đẩy, bảo đảm công khai, minh bạch.
Khuyến khích tính chủ động, vươn lên của người nghèo, tăng cường chính sách hỗ trợ cho vay có hoàn trả, lãi suất thấp, giảm dần các chính sách hỗ trợ cho không
Năm 2014, ngân sách Trung ương đã bố trí 6.242 tỷ đồng để thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững. Với kinh phí được bố trí từ Ngân sách Trung ương, các tỉnh đã tổ chức triển khai thực hiện các dự án về đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng các huyện nghèo, xã nghèo; hỗ trợ phát triển sản xuất, xây dựng, nhân rộng các mô hình giảm nghèo có hiệu quả.
Trong năm 2014, tổng nguồn vốn để thực hiện mục tiêu giảm nghèo khoảng 34,7 nghìn tỷ đồng
End of content
Không có tin nào tiếp theo