Xã hội

Chết đứng nhìn tiêu mắc bệnh

Lại một mùa nữa, hàng nghìn hộ nông dân ở Tây Nguyên thấp thỏm lo âu vì bệnh “chết nhanh, chết chậm” trên cây hồ tiêu. Bệnh nhiễm đến đâu, vườn cây ở đó héo rũ, hoang tàn, tiền tỷ vội vã “đội nón ra đi” chỉ sau một đêm.

 Ông Nhật đau khổ nhìn vườn tiêu chết.

 

Tiền tỷ “đội nón ra đi” sau một đêm
 
So với nhiều loại cây trồng, hồ tiêu được nông dân ví như “cây vàng đen” dễ hái ra tiền. Mức giá liên tục tăng từ 90 lên hơn 200 nghìn đồng/kg khiến nhiều nông dân lao vào trồng ồ ạt, bất chấp khuyến cáo và dịch bệnh bùng phát, lây lan mạnh. Hiện cả nước có trên 80 nghìn ha hồ tiêu, riêng Tây Nguyên chiếm hơn 50% diện tích và đã có hàng nghìn ha mắc bệnh.
 
Ông Hà Ngọc Uyển - Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh Gia Lai cho biết: Theo quy hoạch đến năm 2020, Gia Lai có 6.000ha hồ tiêu nhưng nay con số thực tế đã vượt gấp đôi, ngoài khả năng kiểm soát. Nhiều vùng nằm ngoài quy hoạch, điều kiện đất đai không đảm bảo mà người dân vẫn trồng nên việc tiêu chết là khó tránh khỏi. Gia Lai hiện có trên 200 ha tiêu chết và hơn 600 ha khác bị nhiễm bệnh.
 
Hồ tiêu là cây siêu lợi nhuận và ẩn chứa không ít rủi ro. Nhiều nông hộ được lên đời nhưng cũng không ít người “cay mắt”. Nhắc đến vườn tiêu, ông Huỳnh Tấn Nhật (làng Ban, xã Ia Pia, huyện Chư Prông) thở dài: “Đã hơn 2 tháng nay tôi chưa ra thăm vườn một lần, vườn tiêu 3.500 trụ của tôi đã chết rục gần hết nên tôi không muốn nhìn, xót của lắm. Bình quân, năng suất mỗi năm từ 7-10 tấn, thu về tiền tỷ nay chỉ còn mỗi cái trụ. Trước đây, vườn của tôi thuộc loại tốt nhất xã nhưng chỉ sau một đêm hàng loạt cây ủ rũ, chết đứng. Nghe ai bày gì tôi cũng làm theo, mua đủ loại thuốc nhưng đành bó tay”.
 
Ông Nguyễn Bá Nhung – Phó Bí thư Đảng ủy xã Ia Pia cho biết: Toàn xã có gần 700 ha hồ tiêu thì phần lớn đã chết hoặc nhiễm bệnh. Nhiều hộ gia đình lao đao vì vay nợ ngân hàng, bán vườn tược đề đầu tư vào hồ tiêu, chưa kịp thu cây đã chết. Riêng gia đình tôi trồng 2.500 trụ nay chỉ còn 300 cọc. Tính chi phí đầu tư ban đầu khoảng 500 nghìn đồng/trụ thì thiệt hại rất lớn.
 
Phó mặc cho trời!
 
Hỏi về giải pháp điều trị bệnh, nhiều nông dân lắc đầu ngao ngán: “Trời kêu ai nấy dạ thôi chứ biết sao. Hôm nay cây xanh tốt, ngày mai biết đâu nó chết”. Tại Gia Lai, đến thời điểm này, dịch bệnh lan rộng trên nhiều huyện như: Chư Sê, Chư Pứh, Chư Prông, Đức Cơ… Hiện nay, trên thị trường đang có nhiều loại thuốc bảo vệ thực vật quảng cáo “đặc trị” cho cây tiêu không đúng sự thật, chất lượng kém làm cho nông dân mất phương hướng, nhiều người vừa mất tiền, mất của.
 
Để tháo gỡ phần nào khó khăn và giúp dân giảm nhẹ thiệt hại, UBND huyện Chư Pứh đã dùng ngân sách huyện mời giảng viên trường Đại học Nông Lâm Huế phối hợp với Tiến sĩ Tôn Nữ Tuấn Nam (Viện Khoa học Kỹ thuật Nông Lâm nghiệp Tây Nguyên) biên soạn tài liệu, giảng giải và tập huấn cho cán bộ, nông dân trên địa bàn. Theo ông Nguyễn Xuân Hùng – Trưởng phòng NN&PTNT huyện Chư Pứh: Do chưa có giải pháp đặc trị bệnh nên việc làm này của địa phương chỉ giúp nông dân hạn chế rủi ro, bước đầu hiệu quả nhưng không hết bệnh được. Mục tiêu của chương trình là giúp bà con biết và làm đúng các bước kỹ thuật trồng, chọn giống, chăm sóc, bón phân, phòng ngừa bệnh. 
 
Ông Hà Ngọc Uyển khẳng định: Bệnh “chết nhanh, chết chậm” trên cây tiêu chưa có thuốc điều trị triệt để, khi cây đã phát bệnh thì giống như “ung thư giai đoạn cuối” sớm muộn gì cũng chết. Bệnh chết nhanh là do nấm Phytophtho gây ra, chúng tấn công mạnh vào rễ và một số bộ phận khác khiến cây vàng lá, rụng đốt, chết chỉ sau vài ngày. Bệnh chết chậm là do “tập đoàn” nấm Fusarium, Lasiodiplodia, Pythium, Rhizoctonia… làm cây sinh trưởng chậm, thối gốc, thời gian cây chết có thể kéo dài 2-3 năm. Cách hữu hiệu nhất là phòng bệnh ngay từ đầu, nếu các công đoạn kiến thiết cơ bản cho cây tốt sẽ ít nguy cơ mắc bệnh hơn. Nguyên nhân khiến bệnh phát tán nhiều là do người dân trồng ồ ạt, lạm dụng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật quá mức, ít chú trọng đến tính bền vững.
 
 

Theo ông Hà Ngọc Uyển, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật Gia Lai việc tiếp cận giữa nhà khoa học và người nông dân vẫn khó. Thường các hoạt động chỉ dừng lại ở các hội thảo, diễn đàn. “Tôi nghĩ cần giảm nói và thực tế nhiều hơn thì dân mới tin, làm theo, đồng thời kiến nghị Trung ương đầu tư kinh phí cho các cơ quan chuyên môn triển khai các mô hình để dân học tập, áp dụng. Việc Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát chỉ đạo sắp tới thành lập Trung tâm nghiên cứu về cây hồ tiêu tại Gia Lai là tín hiệu mừng cho bà con nông dân”.

Theo Tiền phong
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo