Xã hội

Chỉ 10% yên tâm với thực phẩm sử dụng hàng ngày

(DNVN) - Theo kết quả điều tra của Văn phòng Quốc hội, chỉ 10% người được hỏi rất yên tâm với sử dụng thực phẩm hằng ngày...

Sáng nay 5/6, tiếp tục kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV, Quốc hội đã tiến hành thảo luận ở hội trường về thực hiện chính sách, pháp luật về an toàn thực phẩm giai đoạn 2011-2016 sau khi ông Phan Xuân Dũng - Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường trình bày Báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội nội dung này.

Vấn đề thực phẩm bẩn đã làm "nóng" nghị trường Quốc hội, mở đầu phần thảo luận, đại biểu Nguyễn Hoàng Mai (tỉnh Tiền Giang) cho rằng, vấn đề thực phẩm không phải là vấn đề mới phát sinh. Thời gian qua tuy đã có những chuyển biến, song tình trạng mất an toàn vệ sinh thực phẩm là vấn đề rất lớn, gây bức xúc dư luận.

Đại biểu Mai cho biết, theo kết quả điều tra dư luận xã hội về an toàn thực phẩm do Văn phòng Quốc hội tiến hành, chỉ có 10% yên tâm với thực phẩm sử dụng hàng ngày, trong khi có tới 59% chưa yên tâm và 27,5% hoàn toàn không yên tâm,....

Còn nhiều lo ngại về việc đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, đại biểu Mai nhấn mạnh trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp, cá nhân trong những tồn tại, hạn chế về quản lý an toàn thực phẩm.

Trên cơ sở đó, đại biểu Mai đề nghị cần có cơ quan chuyên trách về quản lý an toàn thực phẩm; đầu tư kinh phí, nhân lực, trang thiết bị cần thiết cho công tác này; đặc biệt cần tăng cường trách nhiệm của lãnh đạo các cấp trong quản lý an toàn thực phẩm... thiết lập đường dây nóng với những số dễ nhớ về an toàn thực phẩm; nghiêm túc xem xét tiêu chí an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường trong công nhận nông thôn mới; đưa tiêu chí an toàn thực phẩm vào hương ước để nhân dân tự giác thực hiện và giám sát lẫn nhau, qua đó loại bỏ tình trang "mỗi gia đình có 2 luống rau, 2 chuồng trại"...

Đại biểu Quốc hội Dương Minh Ánh. 

Trong khi đó, đại biểu Dương Minh Ánh (đoàn Hà Nội), nói về công tác quản lý rượu, bia, đại biểu cho rằng ngộ độc rượu đã trở thành nỗi ám ảnh của người dân thời gian qua, với nhiều vụ ngộ độc rượu nghiêm trọng.

Theo đại biểu Minh Ánh, mỗi năm Hà Nội thu giữ 20.000 lít rượu thủ công, hàng trăm chai rượu ngoại. Những sản phẩm không được kiểm định này nếu được tiêu thụ trên thị trường sẽ gây hậu quả nặng nề.

Trên cơ sở đó, đại biểu này đề nghị phải siết chặt quy định sản xuất kinh doanh rượu, tăng chế tài xử phạt vi phạm và duy trì trong thời gian dài chứ không phải là phong trào. Đặc biệt, phải nâng mức xử phạm hình sự đối với người kinh doanh rượu kém chất lượng gây hậu quả nghiêm trọng.

Nên đọc
VĂN HUY
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo