Thị trường

Chỉ cần 20.000 tỷ đồng xử lý nợ xấu ngân hàng

Số tiền vừa đủ để mua nợ xấu ngân hàng chỉ khoảng 20.000 tỷ đồng, thay vì 100.000 tỷ như đề xuất của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước.

Với kinh nghiệm chuyên mua bán nợ xấu, ông Phạm Thanh Quang (ảnh), Tổng giám đốc Công ty mua bán nợ và tài sản tồn đọng (DATC) Bộ Tài chính cho biết như vậy.

 

Chỉ mua một phần nợ xấu

 

Với kinh nghiệp lãnh đạo một doanh nghiệp chuyên mua bán nợ xấu, ông nghĩ sao về Đề án thành lập công ty mua bán nợ xấu của ngành hàng với số vốn ban đầu khoảng 100.000 tỷ đồng mà Ngân hàng Nhà nước dự kiến thành lập?

 

Việc thành lập công ty mua bán nợ xấu ngân hàng vào thời điểm tái cơ cấu nền kinh tế này là cần thiết. Vì ở đây là nợ ngân hàng nên doanh nghiệp này có thể đặt ở Ngân hàng Nhà nước hoặc trực thuộc Chính phủ nhưng cấp bao nhiêu tiền vốn, lấy từ nguồn nào, cần tính toán kỹ.

 

Kinh nghiệm các nước, doanh nghiệp này chỉ mang tính thời điểm, đến khi làm xong nhiệm vụ thì giải tán.

 

Vấn đề là Chính phủ phải xác định rõ mục tiêu mua nợ xấu để làm gì? Nếu để ra lợi nhuận thì phải tính toán. Còn nếu để cứu nền kinh tế, thì cần đạt mục tiêu bảo toàn vốn đã bỏ ra và khơi thông dòng vốn cho ngân hàng.

 

Nợ xấu ngân hàng tích tụ rất lớn và trở thành sức ép trong nhiều năm. Với tổng dư nợ nền kinh tế ước đoán khoảng 2,5 triệu ngàn tỷ đồng, trong đó khối doanh nghiệp Nhà nước là 415 ngàn tỷ, thì số nợ còn lại đang tồn đọng ở nhiều đối tượng và lĩnh vực khác như dự án nhà máy giấy, xi măng, bô-xít, khoáng sản, thép...

 

 

Mỗi dự án này có thể tốn hàng ngàn tỷ đồng nhưng do không đủ vốn đối ứng để vay làm tiếp hoặc do thị trường gặp khó khăn, nên đang tắc.

 

Hiện nay, theo đánh giá của các chuyên gia khoảng hơn 50% thậm chí có thể 60% số dư nợ đó rơi vào bất động sản (thực tế còn lớn hơn vì nhiều khoản vay bất động sản có thể lẫn vào sản xuất).

 

Số vốn dự kiến 100.000 tỷ đồng đang gây tranh cãi rằng quá lớn và có thực cần thiết như vậy không? Nếu có làm thì lấy nguồn ở đâu sẽ khả thi, thưa ông?

 

Đề xuất thành lập công ty mua bán nợ với vốn điều lệ 100.000 tỷ đồng của Ngân hàng Nhà nước được tính trên căn cứ tỷ lệ nợ xấu chiếm khoảng 3,6% (từ cuối năm 2011).

 

Còn nay, nếu theo mức nợ xấu mới công bố là 10% thì số tiền cần để xử lý “cục máu đông” này sẽ tốn từ 100.000- 400.000 tỷ đồng.

 

Dự kiến 100 ngàn tỷ đồng là để mua nợ xấu mà đa phần sẽ rơi vào nợ bất động sản. Nhưng với thị trường này, khó có hy vọng sẽ hồi phục nhanh và như vậy sự rủi ro thất bát sẽ rất cao.

 

Theo kinh nghiệm của tôi, vốn cho công ty mua nợ xấu ngân hàng này chỉ nên ở mức vừa đủ vào khoảng 20.000 tỷ đồng, để mua những khoản nợ xấu cấp thiết nhất.

 

Ví như một doanh nghiệp có khoản nợ lên tới cả ngàn tỷ đồng, nhưng chỉ cần bỏ ra vài trăm tỷ để giúp họ khơi thông dòng vốn hoạt động là được. Phải xác định tiền vốn này dùng để mua nợ kiểu “cuốn chiếu” chứ không phải mua tất cả nợ xấu.

 

Việc tạo vốn từ phát hành trái phiếu chỉ thực hiện khi cảm thấy kinh doanh có lãi. Tức là việc mua khoản nợ đó sẽ phải đảm bảo điều kiện: có lời lớn, phục hồi nhanh và phải tính cả trả lãi trái phiếu.

 

Tuy nhiên, xử lý nợ xấu là lĩnh vực kinh doanh rủi ro nên không một đơn vị bảo hiểm nào dám bán bảo hiểm cho doanh nghiệp hoạt động mua bán nợ.

 

Vì thế, tôi cho rằng nên sử dụng vốn vay ODA hoặc ưu đãi giá rẻ từ các nguồn của WB hay ADB và giải ngân dần chứ không cần ngay một cục.

 

Còn lại buộc các ngân hàng phải tự tháo gỡ nợ xấu của mình bằng cách khoanh nợ, giãn nợ, và xử lý nợ. Nói chung, nên hạn chế phát hành trái phiếu để tạo vốn mua nợ xấu, vì đó là một phương án tạo ra rủi ro.

 

Nợ xấu mua giá nào?

 

Ông Phạm Thanh Quang, Tổng giám đốc Công ty mua bán nợ và tài sản tồn đọng (DATC) Bộ Tài chính

 

 

Với kinh nghiệm điều hành DATC, theo ông việc mua nợ xấu nên thực hiện theo cách nào để có hiệu quả cho cả bên mua và bên bán?

 

DATC thành lập từ năm 2004 và bắt tay vào mua nợ từ năm 2006. Tính đến nay, với 2.000 tỷ vốn điều lệ Nhà nước cấp đã mua nợ của gần 100 doanh nghiệp.

 

Kết quả hiện vốn chủ sở hữu đã tăng lên 2.700 tỷ đồng, chưa kể trích lập dự phòng rủi ro 500 tỷ đồng, có cổ phần và tham gia vào một số doanh nghiệp do chính DATC mua nợ. Cách thức làm của DATC là mua nợ, xoá nợ, kiểm toán, đưa người vào tham gia tại Hội đồng quản trị, vừa cơ cấu tài chính, vừa tăng cường quản lý.

 

Ví dụ năm 2006, Công ty bao bì Cần Thơ âm vốn chủ sở hữu 50 tỷ đồng, không có khả năng trả nợ năm, sáu ngân hàng. DATC đã mua lại các khoản nợ với giá mua bằng nửa nợ gốc.

 

Sau khi làm lành mạnh tài chính, tính cả tiền đầu tư thêm vào tổng số tiền lên khoảng 200 tỷ đồng, ngay sáu tháng cuối năm sau doanh nghiệp này đã có lãi với mức trả cổ tức vài phần trăm và cứ tăng dần lên mức rất cao vào các năm sau.



Nợ xấu đang trở thành một “cục máu đông” làm tắc nghẽn dòng vốn, khiến lãi suất đã hạ nhưng các doanh nghiệp vẫn khó tiếp cận. Quan điểm của tôi là không dùng tiền của dân, tiền ngân sách Nhà nước làm việc này, mà các ngân hàng phải tự lo trang trải bằng lợi nhuận của mình

Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh trả lời chất vấn Quốc hội chiều 13/6

 

Như vậy, một thời gian sau DATC đã thu lại được dần và hết 200 tỷ đồng đã đầu tư thậm chí còn có lời bởi phần góp vốn vài chục tỷ vẫn nằm đó.

 

Đó là mua nợ xấu của doanh nghiệp, còn mua nợ xấu ngân hàng thì sao?

 

Kinh nghiệm đi mua nợ ngân hàng của DATC cho thấy mất rất nhiều thời gian. Lẽ ra ngân hàng là người phát giá thì ở đây họ thường yêu cầu mình trả giá trước.

 

Thông thường nhóm nợ ngân hàng DATC hỏi mua thuộc nhóm 4-5. Có một thực tế ngân hàng rất muốn bán nợ xấu nhưng lại sợ trách nhiệm, rồi sợ đắt, rẻ nên nhiều lúc họ cứ thích “treo” nợ để không ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh.

 

Tính đến nay, DATC đã mua được gần 200 khoản nợ, với tổng số nợ hơn 10.000 tỷ đồng, phần lớn từ các ngân hàng quốc doanh. Bình quân giá mua nợ từ 28-30% so với nợ gốc. Đây là một mức giá khá cao so với thế giới (thường khoảng 20%).

 

Nhưng thường thì chúng tôi chỉ mua nợ để rồi tái cơ cấu doanh nghiệp. Việc cầm tài sản thế chấp chỉ mang tính tạm thời, sau này khi doanh nghiệp đã trả nợ, chúng tôi đều trả lại.

 

Thực ra, bản chất việc mua nợ là để cứu doanh nghiệp chứ không chỉ đơn giản làm sạch sổ sách ngân hàng.

 

Nên quan điểm của chúng tôi, nếu Chính phủ hạ quyết tâm, Bộ Tài chính đồng thuận thì có thể tính đến việc nâng cấp DATC về quy mô với số vốn điều lệ khoảng 20.000 tỷ đồng, thành doanh nghiệp trực thuộc Chính phủ và như vậy không nhất thiết phải thành lập công ty mua bán nợ xấu của Ngân hàng Nhà nước.

 

Bởi ngay cả nếu thành lập thì chắc chắn sau này, chính DATC với nhiệm vụ cứu doanh nghiệp sẽ vẫn là một trong những khách hàng chính của công ty mua bán nợ đó. Trong khi việc xử lý nợ xấu phải làm từng bước, chứ không thể làm hết ngay một lúc.

 

Cảm ơn ông.

 

Theo TP

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo