Môi trường

Chỉ đạo “bất thường”

Vụ việc Nhà máy xử lý nước thải tập trung thuộc Công ty CP Sonadezi Long Thành xả trực tiếp nước thải chưa qua xử lý ra sông rạch, làm ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến đất đai và đời sống của hàng trăm hộ dân trên địa bàn Long Thành (Đồng Nai) xảy ra đã gần 1 năm, đã có kết luận chính thức của cơ quan bảo vệ môi trường, nhưng đến nay vẫn chưa được xử lý rốt ráo.

Bản thân đơn vị gây ra ô nhiễm, đơn vị chủ quản là Tổng công ty Sonadezi, các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương đã nhiều lần hứa hẹn sẽ phối hợp để khắc phục và đền bù những thiệt hại cho các hộ nông dân.

 

Thế nhưng gần một năm trôi qua, việc đền bù vẫn chưa được tiến hành. Nông dân bức xúc nên đã có những hành động không kiềm chế được như mang đất đá lấp cống xả của nhà máy xử lý nước thải.

 

Trước đó, họ cũng đã nhiều lần phản ánh bức xúc đến các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương và cả các đại biểu quốc hội của tỉnh, trong đó có bà Đỗ Thị Thu Hằng, Chủ tịch hội đồng thành viên, Tổng giám đốc Tổng công ty Sonadezi, đại biểu Quốc hội. Thế nhưng công tác khắc phục hậu quả vẫn diễn tiến quá chậm, không đúng như những lời hứa hẹn khiến người dân bị thiệt hại ngày càng bức xúc.

 

Trong tình hình nóng bỏng đó, các cơ quan ban ngành của tỉnh Đồng Nai đang nỗ lực cùng Ủy ban Nhân dân tỉnh có nhiều chỉ đạo kịp thời, nhanh chóng giải quyết các vướng mắc, sớm tiến hành đền bù thiệt hại cho dân. Đây là một việc làm hết sức đúng đắn, thể hiện sự quan tâm đến đời sống của người dân.

 

Thế nhưng mới đây, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Đồng Nai lại có Thông cáo báo chí gửi các cơ quan báo, đài trong và ngoài tỉnh yêu cầu trong vụ việc xả thải gây ra sự cố ô nhiễm môi trường nghiêm trọng nói trên, “không được đề cập đến Tổng công ty Sonadezi và cá nhân đồng chí Đỗ Thị Thu Hằng - Chủ tịch hội đồng thành viên, Tổng giám đốc Tổng công ty Sonadezi, đại biểu Quốc hội” vì chủ thể gây ra ô nhiễm là “Nhà máy xử lý nước thải tập trung Khu công nghiệp Long Thành thuộc Công ty CP Sonadezi Long Thành (đây chỉ là 1/23 công ty thuộc Tổng công ty Sonadezi)”. Đây có thể xem là sự chỉ đạo “bất thường”. “Bất thường” trong tình hình hiện nay và “bất thường” trong thực hiện chủ trương, chính sách.

 

Ai cũng dễ dàng nhận ra thời gian gần đây, các nghị quyết của Đảng, các vị lãnh đạo cấp cao luôn đề cập đến “trách nhiệm liên đới” của cán bộ, đảng viên lãnh đạo đối với sai phạm của các cán bộ, đơn vị trực thuộc.

 

Ngay như Thủ tướng Chính phủ, mặc dù khẳng định tình trạng làm ăn thua lỗ của Vinashin chủ yếu là do sự yếu kém trong quản lý, thiếu tinh thần trách nhiệm, cố ý làm trái, báo cáo không trung thực của lãnh đạo tập đoàn…, nhưng là người đứng đầu, trước QH, Thủ tướng vẫn nhận trách nhiệm đồng thời cam kết sẽ cùng các thành viên Chính phủ có kế hoạch cụ thể để xử lý, chấn chỉnh.

 

Vậy thì lý do gì trong vụ sai phạm của Nhà máy xử lý nước thải thuộc Công ty CP Sonadezi Long Thành (một công ty con của Tổng công ty Sonadezi) lại không được đề cập đến trách nhiệm của Tổng công ty Sonadezi và cá nhân người đứng đầu tổng công ty này? Không lẽ Ban Tuyên giáo Đồng Nai lại nghĩ rằng Tổng công ty Sonadezi và cá nhân Chủ tịch hội đồng thành viên, Tổng giám đốc tổng công ty không có trách nhiệm gì trong sai phạm của công ty thành viên và việc khắc phục hậu quả sai phạm, cho nên phải để họ được “yên”?

 

Ngoài trách nhiệm của người lãnh đạo cao nhất Tổng công ty Sonadezi, bà Đỗ Thị Thu Hằng còn là một đại biểu Quốc hội. Với tư cách này, bà Hằng còn phải có trách nhiệm với cử tri, đặc biệt là cử tri tỉnh nhà.

 

Trong các cuộc tiếp xúc với đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai, cử tri trong vùng bị thiệt hại luôn mong mỏi các vị này phải can thiệp để đơn vị gây ra ô nhiễm nhanh chóng bồi thường thiệt hại cho dân, giúp họ sớm có điều kiện tái sản xuất, ổn định cuộc sống. Đó là những yêu cầu chính đáng. Bản thân là đại biểu Quốc hội, bà Đỗ Thị Thu Hằng hiểu rằng mình cũng có trách nhiệm trong vụ việc này. Vậy thì, đứng trên quan điểm nào, Ban Tuyên giáo Đồng Nai lại chỉ đạo “không được đề cập” đến vai trò của đại biểu Quốc hội Đỗ Thị Thu Hằng?

 

Bằng Thông cáo báo chí nêu trên, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Đồng Nai, vô tình hay cố ý, đã hạn chế “quyền và nghĩa vụ” của một đại biểu Quốc hội; can thiệp vào sự điều hành và trách nhiệm của một Chủ tịch hội đồng thành viên, Tổng giám đốc một tổng công ty lớn trên địa bàn. Vì vậy mới nói: đây là sự chỉ đạo "bất thường”!

Theo TN

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo