Pháp luật

Chỉ một người đứng lại

Đó là một buổi chiều Pattaya, tôi thuê xe máy đi chơi. Xe máy ở xứ này rẻ, nên xe thuê là một chiếc thuộc hàng “xịn” và “cảm giác đi trên xe mới khá phấn khích. Nhưng đây cũng là một “vương quốc xe máy”, với bối cảnh giao thông khá giống nước ta: dù hạ tầng phát triển hơn nhưng Thái Lan cũng nổi tiếng vì những đám kẹt xe dài hàng cây số.

Trong khi đứng đó, trên cái xe mới, lòng đầy ức chế trong đám kẹt xe chật ních trên đất Thái, tôi nhìn thấy cái vỉa hè: phẳng, rộng, độ cao không chênh so với mặt đường là bao nhiêu. Trên vỉa hè tất nhiên không có bãi trông xe hoặc hàng quán xếp đầy ghế nhựa. Và tôi bị thôi thúc mãnh liệt là hãy phóng xe máy lên mà lao đi, trên cái vỉa hè trống trải ấy.

Ở bất kỳ đâu trên đất nước tôi, nó đã chật kín người leo lên. Và tôi biết, chỉ cần một người leo lên, sẽ có người thứ hai, và thứ ba, rồi cứ thế, trở thành một “văn hóa leo lề” như quê hương mình. Không lực lượng cảnh sát nào kiểm soát được một đám đông hàng trăm chiếc xe leo lề băng băng tiến.

Nhưng tất cả đều đồng lòng đứng lại, dưới lòng đường – trong một đám kẹt xe dài vài cây số. Họ dửng dưng với cái vỉa hè theo một cách khó chịu. Mà không phải bởi phía trước có cảnh sát. Cảnh sát xứ này ít thấy đứng chốt.

Tôi trở về Hà Nội, còn chưa kịp quên cái vỉa hè thông thoáng những đoàn xe máy Thái Lan đầy nhẫn nhịn, thì đúng một ngày sau vợ tôi bị đâm xe. Một chiếc xe công vụ đâm vào đuôi xe máy khi xe dừng lại. Dừng lại khi đèn vừa chuyển sang màu đỏ.

Giảm tốc trước đèn vàng và dừng lại ở những giây đầu tiên của đèn đỏ là một việc làm nguy hiểm. Bản thân tôi mỗi lần quyết định làm điều đó cũng phải ngoái đầu lại sau (dù có gương chiếu hậu), chắc chắn rằng không có xe tải mới “dám” làm.

Nhưng tôi nhận ra, rằng nếu mình là người đầu tiên “tiếp cận” với đèn đỏ ở ngã tư, nếu mình cố tăng ga, thì những người sau sẽ cùng mình vượt. Nếu mình đứng lại, thì gần như toàn bộ những người phía sau cũng giảm tốc – cho dù thỉnh thoảng có “rủi ro” như vợ tôi đã gặp. Vấn đề của leo lề hay vượt đèn đỏ, dường như là câu chuyện của người đầu tiên. Chúng làm tôi nhớ đến một học thuyết của Gustave LeBon, tác giả cuốn “Tâm lý học đám đông”. Đó là “lây nhiễm tinh thần” (contagion mentale). LeBon tin rằng sự lệch lạc trong tinh thần của một người có thể lây nhiễm: “Sự bóp méo đầu tiên bởi một người nào đó sẽ là hạt nhân của tác động lây nhiễm” - nhà triết gia viết.

Có thể tình trạng giao thông lộn xộn ở nước ta, cái đuôi xe vỡ nát của vợ tôi và tập phim chụp X-quang của cô ấy, là hệ quả của rất nhiều nguyên nhân: văn hóa, hành pháp, hạ tầng giao thông, hay thậm chí là quản lý hành chính. Nhưng tôi vẫn tin rằng trong bối cảnh khó khăn này, mỗi thành viên trong đám đông vẫn có quyền tự quyết định hành động: họ có quyền “lây nhiễm” một cú rồ ga phóng qua đèn đỏ, lên vỉa hè, hoặc làm điều ngược lại. Họ có thể trở thành mầm bệnh hoặc vaccine. Nếu tin vào thuyết lây nhiễm tinh thần của LeBon, thì một người, mười người, một trăm người có thể tạo ra những thay đổi cực lớn.

Hãy quay trở lại với buổi chiều Pattaya lộng gió kia. Tôi đứng cạnh cái vỉa hè cuốn hút ấy, và bất ngờ có một chiếc xe máy rồ ga phóng lên vỉa hè. Chỉ một vài giây sau, tôi nhìn thấy chiếc thứ hai, rồi thứ ba. Thú vị nhất, họ không phải là những người bản địa: đó là những “ông Tây” cũng đang thuê xe máy đi dạo phố như tôi. Họ biết rằng mình có thể làm được điều đó sau khi có ví dụ đầu tiên.

Là vaccine hay là mầm bệnh, là người lây nhiễm hay người bị lây nhiễm, và tạo ra một đám đông như thế nào, bạn cũng có quyền chọn lựa. Và đó chắc chắn không chỉ là vấn đề trong giao thông.

VnExpress
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo