Thị trường

Chi nghìn tỷ cho dự án "đuổi chim" ở sân bay: Cục Hàng không nói gì?

(DNVN) - Mới đây, Tổng Công ty Cảng Hàng không Việt Nam (ACV) đã đề xuất với Bộ Giao thông vận tải dự án lắp đặt hệ thống phát hiện vật thể lạ trên đường băng trị giá tới 1.162 tỷ đồng.

Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) trình Bộ GTVT xem xét phê duyệt chủ trương đầu tư dự án cung cấp giải pháp và lắp đặt hệ thống phát hiện vật thể lạ trên đường băng (FODetect) trị giá tới 1.162 tỷ đồng nhằm phát hiện vật thể lạ trên đường cất hạ cánh tại Nội Bài và Tân Sơn Nhất, tự động phát hiện xua đuổi chim gây nguy cơ uy hiếp trực tiếp đến máy bay.

Theo ACV, hiện việc kiểm tra, bảo đảm an toàn cho đường hạ cất cánh đang được thực hiện bằng mắt thường. Trong điều kiện diện tích bề mặt đường hạ cất cánh cần được kiểm tra lớn, thời tiết xấu, thiếu ánh sáng vào ban đêm,... việc phát hiện vật thể lạ trên đường hạ cất cánh theo phương pháp thủ công sẽ không chính xác. Vì vậy, việc đầu tư hệ thống này tại sân bay Tân Sơn Nhất và Nội Bài là hết sức cần thiết.

Dự án sẽ được đầu tư theo hình thức xã hội hóa. Nhà nước thu phí hạ cất cánh và hoàn trả cho nhà đầu tư trong thời gian dự kiến 6 năm 6 tháng kể từ ngày khai thác; mức phí đề xuất 35 USD với các chuyến bay quốc tế và 17 USD với các chuyến bay nội địa trên toàn bộ các cảng hàng không mà ACV đang khai thác.

ACV đề xuất dự án hơn 1 nghìn tỷ chỉ để... đuổi chim ở sân bay.

Nói về việc này với báo giới, Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam Lại Xuân Thanh cho rằng, trong bối cảnh ngân sách Nhà nước hạn hẹp thì việc xã hội hóa Dự án FODetect là cần thiết. Tuy nhiên đề xuất của ACV hiện khá sơ sài, thiếu nhiều nội dung quan trọng như: Loại hợp đồng dự án; phương án tổ chức quản lý, chủ thể khai thác và nhất là hiệu quả kinh tế xã hội của công trình...

Đề xuất trong dự án FODetect còn thiếu các tài liệu kỹ thuật và thông tin về tính năng thiết bị, vì vậy chưa thể xác định rõ khả năng làm việc tối ưu của hệ thống trong điều kiện thời tiết xấu, ban ngày, ban đêm; vùng không gian hệ thống có khả năng phát hiện, xua đuổi chim ở hai đầu tiếp cận khi tàu bay cất, hạ cánh, cũng như khả năng tích hợp, mở rộng hệ thống thiết bị.

Mặt khác, theo lãnh đạo Cục hàng không Việt Nam, dự án cũng không cung cấp các báo giá tham khảo làm cơ sở sơ bộ xác định tổng mức đầu tư trong khi tổng mức đầu tư đưa ra là quá lớn nhưng lại chỉ sử dụng ở 2 sân bay (Tân Sơn Nhất và Nội Bài).

Bên cạnh đó, lãnh đạo Cục Hàng không cho rằng thời gian hoàn vốn cho dự án theo đề xuất của ACV chỉ có 6 năm 6 tháng là quá ngắn nên cần xem xét lại và xây dựng mức thu phù hợp với điều kiện và khả năng chịu chi trả của các hãng hàng không khai thác đến Việt Nam, không làm tăng mức thu đột ngột ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh của các cảng hàng không Việt Nam...

Về việc này, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Nhật cho biết, Bộ đã phê duyệt chủ trương về việc nghiên cứu Đề án xây dựng hệ thống nói trên từ rất lâu vì tính cần thiết của dự án. Tuy nhiên, với đề án về hệ thống FODtetech, Bộ yêu cầu tiếp tục nghiên cứu, làm rõ và cần thêm ý kiến của các nhà khoa học khẳng định mức độ hiệu quả của dự án trước khi cho phép thực hiện.

 

Nên đọc
Hòa Lộc
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo