Xã hội

Chỉ người “làm ít hưởng nhiều” mới muốn kéo dài tuổi hưu?

“Người lao động chủ yếu không muốn kéo dài tuổi lao động, trừ một số người làm ít hưởng nhiều mới muốn kéo dài tuổi nghỉ hưu”.

ĐBQH Hồ Trọng Ngũ (tỉnh Vĩnh Long) nêu quan điểm như trên khi cho ý kiến tại phiên thảo luận tổ về dự thảo Luật BHXH sửa đổi đang được Quốc hội xem xét.

ĐBQH Hồ Trọng Ngũ cho rằng chỉ người làm ít hưởng nhiều mới muốn kéo dài tuổi nghỉ hưu.
 
ĐB Nguyễn Doãn Khánh (tỉnh Phú Thọ) cho rằng, BHXH thực chất là tiền tiết kiệm của người lao động chứ không phải tiền của nhà nước hay xã hội. Vì thế theo ĐB, điều quan trọng là thời gian đóng và mức đóng chứ không phải tuổi nghỉ hưu để phân định mức thụ hưởng của người lao động. Do vậy ĐB Khánh đề nghị cần bảo đảm sự bình đẳng trong đóng góp và hưởng thụ BHXH, khi nghỉ hưu thì người lao động cần được bình đẳng với nhau.
 
Ngoài ra, ông Khánh cũng phản ánh một bất cập hiện nay khi cho rằng BHXH phải được coi là tài sản thừa kế. Tuy nhiên không ít người tham gia đóng BHXH nhưng lại chết trước khi được hưởng mà người thân lại không được thừa kế, dù đó là sự đóng góp tiết kiệm.
 
Theo ĐB Nguyễn Kim Khoa – Chủ nhiệm UB QPAN, dự thảo Luật BHXH được xây dựng vì “lo vỡ quỹ” BHXH là chính chứ không phải xây dựng một chính sách hoàn chỉnh. Ông cho rằng, việc tính tuổi nghỉ hưu trong luật này là “không có cơ sở”. Mức hưởng BHXH phụ thuộc vào thời gian và mức đóng chứ không phải tuổi nghỉ hưu. 
 
“Tuổi nghỉ hưu không tạo áp lực cho quỹ BHXH mà còn do nhiều yếu tố khác như khối DN không đóng mà không bị xử phạt khiến quỹ thất thu lớn” – ĐB Khoa nhấn mạnh.
 
Để khắc phục tình trạng này, ông Khoa đề nghị nên cho quyền thanh tra vì hiện DN nợ BHXH nhiều, tiền phạt thấp hơn lãi suất ngân hàng. Vì thế nhiều DN lợi dụng điều này để chiếm dụng tiền BHXH.
 
Một khía cạnh khác cũng được ĐB phân tích là việc quản lý quỹ. Theo ĐB Hồ Trọng Ngũ (tỉnh Vĩnh Long), quản lý chi tiêu phải tối ưu, nếu không, ngay việc nuôi bộ máy lớn quá thì giá trị xã hội của quỹ cũng bị thu hẹp lại. Do vậy cần quan tâm đặc biệt đến việc phát huy giá trị xã hội của quỹ.
 
ĐB Ngũ cũng đưa ra đề nghị không tăng tuổi nghỉ hưu chỉ để “cứu” quỹ và phải thực hiện theo quy định hiện hành. “Người lao động chủ yếu không muốn kéo dài tuổi lao động, trừ một số người làm ít hưởng nhiều mới muốn kéo dài tuổi nghỉ hưu” – ĐB Ngũ nêu quan điểm.
 
Nợ đọng, lạm dụng quỹ để trục lợi, giải quyết chế độ còn sai sót… là những nội dung quan trọng trong báo cáo của Chính phủ về thực trạng BHXH. Theo ĐBQH Nguyễn Sỹ Cương (tỉnh Ninh Thuận), khoảng 50% DN đang trốn, nợ, chậm đóng BHXH là một con số rất lớn.
 
Ông Cương phân tích việc thực hiện chế độ tinh giản biên chế, đối với những người còn khoảng 2-3 năm về hưu thì được trả một lần. Nhưng trên thực tế, nhiều người chỉ còn vài tháng nữa nghỉ hưu lại vẫn được đưa vào diện tinh giản, được hưởng chế độ trả 1 lần. Đây cũng là một nguyên nhân làm ảnh hưởng đến quỹ hưu trí.
 
ĐB cho rằng, việc xử lý vi phạm BHXH vẫn chỉ chung chung thì sẽ tái diễn tình trạng DN trốn nợ, chậm đóng BHXH. Khắc phục tình trạng này ngành bảo hiểm có thể phối hợp với các tổ chức tín dụng để có biện pháp thu hồi. Thực tế cho thấy ngân hàng không có sự phối hợp, vì các DN có thể mở nhiều tài khoản khác nhau và chỉ khai báo BHXH ở tài khoản không có tiền nên không thu hồi được, còn tài khoản có tiền thì được giấu nhẹm đi.
 
Ông Cương đề nghị phải quy trách nhiệm cho cả hệ thống ngân hàng về việc này, vì đây là vi phạm pháp luật thì các cơ quan liên quan cũng phải có trách nhiệm để giải quyết.
 
Liên quan đến độ tuổi nghỉ hưu, ĐB Cương đề nghị giữ như Luật lao động, không tăng tuổi nghỉ hưu như đề xuất trong dự thảo.
 
“Sau khi Bộ luật lao động được thông qua thì ngành nào cũng đòi tăng tuổi như ở dự thảo Luật tổ chức TAND, Luật BHXH, có chăng cũng chỉ trừ lực lượng vũ trang, vì lực lượng này về hưu sớm mà lương cao” – ông Cương nói.
Infonet
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo