Chi phí đầu tư cho sân bay Long Thành quá cao?
Chính phủ đã chính thức trình xin ý kiến Quốc hội về chủ trương đầu tư xây dựng dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành. Quốc hội đã dành thời gian thảo luận ở tổ về dự án này. Chiều nay (14/11), Quốc hội tiếp tục thảo luận tại hội trường về chủ trương xây dựng dự án này.
Theo tổng hợp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, qua thảo luận cho thấy, nhiều ý kiến tán thành chủ trương đầu tư xây dựng Cảng HKQT Long Thành vì Cảng HKQT Tân Sơn Nhất quá tải, việc mở rộng là khó khăn và chi phí đền bù GPMB rất lớn.
Về tổng mức đầu tư, phương án huy động vốn
Qua thảo luận, nhiều ý kiến đề nghị Chính phủ có giải trình thêm về tính khả thi trong các phương án huy động vốn. Có ý kiến cho rằng phương án huy động vốn Chính phủ đưa ra là chưa thuyết phục. Có ý kiến cho rằng suất đầu tư (số tiền đầu tư trên 1 hành khách của các nước trong khu vực trung bình chỉ 81 USD/hành khách) nhưng chi phí cho sân bay Long Thành lại quá cao 187 USD/hành khách, đề nghị làm rõ.
Có ý kiến cho rằng kinh phí xây dựng sân bay Long Thành lớn, xuất phát từ nhiều nguồn khác nhau, trong đó chủ yếu là vốn ODA, do đó cần cân nhắc thêm về việc sử dụng nguồn vốn này. Có ý kiến cho rằng tỷ suất nội hoàn kinh tế của dự án rất khả thi, với tỷ suất cao như vậy nên tăng phần đầu tư từ vốn ODA.
Bên cạnh đó, cũng có ý kiến cho rằng, hiện tại là thời điểm nền kinh tế có nhiều khó khăn, nhất là về ngân sách nhưng khoảng thời gian từ lúc Quốc hội cho chủ trương đầu tư đến khi Chính phủ thực tế triển khai dự án này còn xa. Ngoài ra, hiện tại thị trường bất động sản đang trầm lắng nên giá đất áp dụng bồi thường khi thu hồi đất sẽ thấp hơn, đồng thời hiện tại cũng có nhiều nhà đầu tư quan tâm đến dự án cảng HKQT Long Thành. Do vậy, đề nghị Chính phủ sớm có những bước chuẩn bị tiếp theo về huy động nguồn vốn và triển khai thu hồi đất.
Các đại biểu Quốc hội cũng đề nghị đối với những hạng mục chưa rõ nguồn vốn thì đến kỳ họp thứ 10, chậm nhất là kỳ họp thứ 11, Chính phủ phải có báo cáo cụ thể khả năng huy động những nguồn vốn vay này để Quốc hội xem xét về tính khả thi của dự án.
Một số ý kiến đề nghị rà soát bảo đảm tính chính xác của dự toán, tránh phát sinh chi phí khi thực hiện dự án. Cùng với đó, cần làm rõ cơ cấu vốn từng năm, phân kỳ đầu tư cụ thể từng năm; đề nghị làm rõ vốn mà ngành hàng không nội lực tích lũy để đầu tư.
Đây mới là vốn cho giai đoạn 1 của dự án, do vậy, lo ngại về vốn cho 2 giai đoạn còn lại; lộ trình bố trí vốn, phân kỳ đầu tư chưa rõ. Đề xuất sử dụng nguồn vốn 5000 tỷ đồng để GPMB không phải là nguồn ngân sách là chưa phù hợp.
Đối với dự án này, có ý kiến đề nghị nên có phương án thu hút nhà đầu tư tư nhân tham gia dự án. Có ý kiến đề nghị bổ sung khả năng xã hội hóa nguồn vốn đầu tư xây dựng cảng HKQT Long Thành. Có ý kiến đề nghị xây dựng cơ chế đặc thù để thu hút vốn đầu tư trong nước và vốn đầu tư nước ngoài đối với dự án này. Có ý kiến đề nghị phải có sự cân nhắc kỹ lưỡng, lựa chọn những nhà đầu tư thật sự có năng lực.
Có ý kiến cho rằng nguồn vốn từ ngân sách Nhà nước chiếm tới 50% trong bối cảnh hiện nay chưa hợp lý, cần có tính toán khả năng đáp ứng của nguồn ngân sách Nhà nước cho dự án này.
Trong thảo luận, cũng có những ý kiến lo ngại việc xây dựng sân bay Long Thành sẽ ảnh hưởng đến nợ công. Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng dự án có khả năng thu hút các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài, có khả năng thu hồi vốn cao, do vậy không quá lo lắng về áp lực nợ công. Có ý kiến đề nghị cần cân nhắc khả năng hoàn vốn sau khi hoàn thành công trình. Có ý kiến đề nghị cần tính đến cả những yếu tố rủi ro trong đầu tư, các dự án đầu tư công đội vốn rất nhiều.
Xây dựng Long Thành là cần thiết
Về chủ trương đầu tư xây dựng dự án, nhìn ở tầm chiến lược và dài hạn, nhiều đại biểu cho rằng, việc đầu tư Cảng HKQT Long Thành là cần thiết để đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và theo kịp sự phát triển của các nước trong khu vực, vị trí của Long Thành thuận lợi về nhiều mặt để xây dựn.
Một số ý kiến đề nghị Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư dự án ngay tại kỳ họp thứ 8 để Chính phủ tiến hành lập Báo cáo khả thi dự án trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 9 vì đây là dự án quan trọng, cần thiết, nếu Quốc hội cho chủ trương thì nhanh nhất cũng phải năm 2023 mới đưa vào sử dụng, do đó vấn đề thời gian là rất cấp thiết. Có ý kiến cho rằng việc đi vay để đầu tư mà đảm bảo hiệu quả kinh tế và phục vụ các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước thì vẫn cần thiết. Tuy nhiên, cũng có ý kiến không tán thành với chủ trương đầu tư dự án.
Bên cạnh đó, vẫn còn một số ý kiến băn khoăn thời điểm thực hiện đầu tư dự án, tán thành phải có đột phá về hạ tầng nhưng cần nghiên cứu kỹ lưỡng, thận trọng, cân nhắc vấn đề nợ công hiện nay, khả năng vay vốn và trả nợ, tác động của việc xây dựng dự án đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Có ý kiến đề nghị lùi thời điểm thực hiện dự án đến sau năm 2016; có ý kiến đề nghị lùi thời gian đến sau năm 2020; có ý kiến đề nghị nếu nâng được công suất của Tân Sơn Nhất thì sau năm 2025 mới tính đến xây dựng sân bay Long Thành.
Có ý kiến đề nghị làm rõ tính cấp thiết của việc đầu tư xây dựng dự án. Có ý kiến cho rằng dự án chưa cấp thiết và báo cáo của Chính phủ là chưa thuyết phục, ví dụ các sân bay Mumbai, London, Singapore, Hong Kong… dù diện tích nhỏ nhưng lượng khách vẫn rất lớn.
Một số ý kiến đề nghị phân tích làm rõ việc đầu tư xây dựng dự án Cảng HKQT Long Thành với mục đích trung chuyển, khả năng cạnh tranh với các cảng hàng không trong khu vực; cơ sở khoa học để dự báo lượng khách đạt được và tính chính xác đối với các số liệu trong Báo cáo đầu tư; cần nêu rõ cả mặt thuận lợi và khó khăn khi thực hiện dự án...
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Cam kết những giá trị bền vững dẫn lối cho sự phát triển của Masterise
Giá vàng trong nước ngày 25/12/2024: Duy trì ổn định bất chấp vàng thế giới tăng
Giá ngoại tệ ngày 25/12/2024: USD giữ đà tăng trong kỳ nghỉ lễ
Giá nông sản ngày 25/12/2024: Giá cà phê tăng nhẹ, hồ tiêu giữ vững mức cao
Giá heo hơi ngày 25/12/2024: Miền Nam và miền Trung tiếp tục xu hướng tăng
Bước đệm cho tăng trưởng từ giảm 2% thuế VAT