Chiếc vé xem xiếc 40 nghìn và “cái tát” cho giáo dục Thủ đô
Câu chuyện được một vị phụ huynh kể trên trang mạng xã hội: “Nhân kỷ niệm ngày 2/9, một trường mầm non ở Thủ đô tổ chức cho các con xem xiếc tại sân trường. Chi phí phải đóng của mỗi con là 40 ngàn đồng. Phụ huynh các bạn nhỏ hồ hởi đóng góp cho con. Sáng 30/8, đoàn xiếc về trường, nhạc tưng bừng phấn khởi. Bỗng từ phòng giám hiệu, tiếng cô giáo trên loa tròn vành rõ chữ: Alo, alo, đề nghị các vị phụ huynh cho con khẩn trương vào trường ổn định chỗ ngồi vì đã sắp đến giờ biểu diễn. Để công bằng cho các em đã đóng tiền, đề nghị những em chưa đóng tiền ngồi nguyên trong lớp học không được ra sân.
Thảng thốt nghe đâu đó tiếng khóc, tiếng sụt sịt, tiếng xì mũi, tiếng nấc của những đứa trẻ…”.
Đó là một câu chuyện có thật. Thật 100%! Nó xảy ra ở Trường Mầm non Tây Mỗ A (Hà Nội). Cái sự thật khiến nhiều người thấy cay cay sống mũi được nhà thơ Trần Đăng Khoa bình luận một cách cay đắng: “Tôi không cần biết hiệu trưởng ở trường đó đã làm thế nào, nhưng đấy là một trò lố, một cách làm phi giáo dục. Đây là trường mầm non dạy trẻ, chẳng lẽ lại biến thành cái chợ để buôn bán hay sao, chẳng lẽ lại làm cái trò “cưa đứt đục suốt” ở đây?
Những kiểu ứng xử như vậy thì chỉ dành cho con buôn nho nhỏ mà thôi, chứ buôn lớn họ cũng chẳng ứng xử vậy, huống hồ đây là trường học. Mà lại lại trường học ở Thủ đô thì càng không thể chấp nhận được. Có thể chuyện xảy ra ở một vùng nào đó dân trí thấp thì có thể thông cảm, vì khi con người u tối thì mọi điều có thể xảy ra, nhưng ở trung tâm văn hóa – chính trị của cả nước mà ứng xử như vậy thì rất không ổn”.
Khi toàn bộ sự việc được đăng tải, trên khắp các diễn đàn, độc giả đều đã lên tiếng phản đối cách xử xự “thiếu tính giáo dục – thiếu tình người” của những giáo viên ở trường mầm non này. Cũng có người bày tỏ, gánh nặng tài chính không thể đổ lên đầu những lãnh đạo của trường mầm non ấy, và đâu đó cũng đã có những lời chê trách các phụ huynh “chỉ vì 40 nghìn đồng mà khiến con mình bị tổn thương”. Nhưng đó là ở một góc nhìn nhỏ, việc ấy nhà trường có thể trao đổi lại với phụ huynh để có sự cảm thông của đôi bên, chứ không thể ứng xử giống như phường buôn bán.
Một giáo viên nghỉ hưu (đồng thời là phụ huynh ở trường mầm non Tây Mỗ A) cũng bức xúc: “Hôm đấy khi chứng kiến các bé không nộp tiền bị nhốt vào trong một lớp, nhìn tội lắm, tôi cũng rất bức xúc nên chạy lên nói thẳng với cô Hiệu phó. Cũng không hiểu làm sao mà để các bé đóng tiền thì ngồi xem, các bé không đóng tiền thì ngồi trong phòng, trong khi nhạc trống bên ngoài ầm ĩ. Tại sao không nghĩ đến những trường hợp cha mẹ các bé không biết hoặc hoàn cảnh khó khăn nên họ không đóng, bắt tội đứa bé không hiểu gì. Tôi nghĩ làm một người giáo viên phải đặt tình yêu trẻ lên đầu, chứ đặt tính toán kinh tế lên thì không được”.
Ấy vậy mà bà Trần Thị Mai Hoài - Hiệu phó trường Mầm non Tây Mỗ A thì vẫn nói như đinh đóng cột: "Chúng tôi khẳng định hoàn toàn không đúng, cái tâm nhà giáo không cho chúng tôi làm như thế".
Nhưng sau cùng, bà Hoài cũng lộ ra rằng, quanh đi quẩn lại vẫn cứ là chữ “Tiền” khi kể lể về khó khăn tài chính: “Lần thứ nhất chúng tôi tổ chức hoàn toàn là vì các con, chúng tôi thu 25.000đ/1 cháu, lần đó nhà trường đã phải bù lỗ. Lần này rút kinh nghiệm chúng tôi thu 40.000đ/1 cháu, các phụ huynh rất nhiệt tình ủng hộ".
Hóa ra vậy, để khỏi phải bù lỗ thì các cô làm thế để cho bố mẹ các cháu lần sau phải nộp tiền. 40 nghìn đồng cũng chỉ đủ để ăn một xuất cơm bụi, nhưng khi nó được gắn mác “đảm bảo công bằng” thì lại có sức mạnh ghê gớm, như một cái tát “lệch mặt” ngành giáo dục Thủ đô.
Trong cuộc trò chuyện với tôi tối qua, TS Nguyễn Tùng Lâm – Chủ tịch Hiệp hội Tâm lý giáo dục Hà Nội nói rằng ông rất buồn khi biết chuyện này. Ông bảo rằng, đó là cách ứng xử máy móc, không đúng với chuẩn mực sư phạm, con trẻ thì đâu biết đến sự công bằng, điều đó chỉ có nhà trường và phụ huynh biết với nhau là đủ. Xem xiếc ở sân trường chứ đâu phải ngoài rạp mà phải cân đo đong đếm. Nỗi buồn với con nít rồi sẽ nhanh chóng trôi qua, nhưng sự việc ấy sẽ gieo vào lòng người lớn nỗi ân hận còn kéo dài nhiều năm tháng.
TS Lâm bình luận, hiệu trưởng của trường mầm non không đơn thuần là nhà quản lý mà phải là nhà giáo dục. Nhưng bây giờ, đào tạo giáo viên mầm non và tiểu học ở ta dễ dãi quá, thế nên nhiều người không hiểu biết sâu sắc về tâm lý giáo dục, đạo đức nghề nghiệp… mới để xảy ra những điều đáng tiếc như vậy. Ở những nước phát triển như Hà Lan, giáo viên mầm non và tiểu học phải có bằng Thạc sĩ mới có việc làm, vì người ta quan niệm dạy con trẻ cũng như đặt những viên gạch đầu tiên trên nền móng của một ngôi nhà – điều đó vô cùng quan trọng, nó góp phần hình thành nhân cách của trẻ.
Có lẽ, rồi đây các nhà quản lý giáo dục Thủ đô sẽ rất vất vả vì phải vá nhiều “lỗ hổng” khác nữa…
End of content
Không có tin nào tiếp theo