Quốc tế

Chiến lược phát triển kinh tế của tân Tổng thống Nga

Nước Nga đã đón chào ông Putin quay trở lại vị trí tổng thống với nhiều hy vọng về sự phát triển mạnh mẽ kinh tế và vị thế cường quốc của Nga trong những năm tới.

Sau khi tuyên thệ vào ngày 7/5/2012, ông Vladimir Putin đã chính thức trở lại với vị trí Tổng thống Nga với nhiệm kỳ tiếp theo là 6 năm.

 

Xây dựng một "nền kinh tế mới"

 

Khi là Thủ tướng Nga, ông Putin đã thành công về kinh tế khi đưa nước Nga thoát ra nhanh hơn so với quốc gia khác trong cuộc khủng hoảng tài chính, hoàn thành đàm phán gia nhập WTO nhằm mang lại cho Nga những điều kiện tối ưu để xuất khẩu năng lượng, thúc đẩy hội nhập kinh tế của cộng đồng các quốc gia độc lập (CIS) và các khía cạnh khác.

 

Đạt được những kết quả ấn tượng trên là cơ sở để ông Putin xây dựng định hướng về phát triển kinh tế của Nga trong tương lai mà theo nhiều người hình dung sẽ vươn tới mục tiêu là một trong năm nền kinh tế lớn nhất thế giới.

 

Để thực hiện nhiệm vụ này, ông Putin đã đề xuất xây dựng "nền kinh tế mới" của Nga coi "đây là nhiệm vụ cơ bản trong các mục tiêu chính của Nga".

 

Ông Putin khẳng định tương lai nền kinh tế mới của Nga phải được đa dạng hóa trong việc phát triển các ngành năng lượng hiện đại nhưng cũng cần tập trung xây dựng phát triển các ngành công nghiệp có tính cạnh tranh, các ngành công nghiệp ưu tiên như dược phẩm, vật liệu composite, công nghiệp hóa chất, vật liệu phi kim loại, ngành công nghiệp hàng không, công nghệ thông tin, công nghệ nano và các ngành công nghiệp dựa trên công nghệ cao và dựa trên tri thức.

 

Ông Putin hy vọng sẽ thay đổi nước Nga từ hình ảnh một nhà cung ứng năng lượng cho thế giới thành một hình mẫu phát triển mới.

 

Khái niệm "nền kinh tế mới" của tổng thống Putin được nói ngắn gọn là tạo ra một mô hình mới về tăng trưởng kinh tế, chú trọng trong việc thực hiện các chính sách để tiếp tục điều chỉnh cơ cấu công nghiệp, thay đổi phương thức tăng trưởng, trong khi tăng đầu tư trong vai trò nền kinh tế.

 

Giới phân tích cho rằng ngoài các điểm chính trên, ông Putin sẽ mở rộng chi tiêu công cộng xã hội, mặt khác kích thích nhu cầu trong nước để nâng cao phúc lợi của nhân dân. Trong lĩnh vực đầu tư, việc hình thành những khoản đầu tư tài chính, đầu tư tư nhân, mô hình đầu tư nước ngoài đầu tư sẽ được đa dạng hóa, bổ sung cho nhau là mục tiêu chính trong chính sách đầu tư.

 

Thách thức nghiêm trọng

 

Tuy nhiên, không phải mọi chuyện đều dễ dàng với nước Nga, vốn đã ở quá lâu trong điều kiện dựa vào năng lượng xuất khẩu. Trong thực tế, ông Putin muốn phát triển kinh tế Nga phải đối mặt với nhiều vấn đề thiếu vốn nghiêm trọng.

 

Số liệu thống kê do Ngân hàng Trung ương Nga công bố cho thấy trong giai đoạn 2008 đến quý I/2012, dòng luân chuyển vốn của Nga ra ngoài là 338,9 tỉ USD tương đương quy mô ngân sách tài chính của Liên bang Nga.

 

Điều này có cả nguyên nhân từ ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng tài chính từ Châu Âu và Mỹ vì các nhà đầu tư muốn rút vốn ra khỏi thị trường mới nổi có liên quan. Tuy nhiên, còn có nguyên nhân khác là môi trường đầu tư của Nga trong dài hạn đã không được cải thiện về cơ bản.

 

Ông Putin đã đề nghị chương trình đại nhảy vọt về kinh tế với "kế hoạch lớn" trong đó mục tiêu của Nga là tăng bậc trong bảng xếp hạng môi trường quốc gia đầu tư theo đánh giá của WB từ vị trí thứ 120 hiện nay lên thứ 20.

 

Muốn làm được điều này, Chính phủ Nga có kế hoạch đệ trình lên Quốc hội việc sửa đổi pháp luật nhằm cải thiện đáng kể môi trường kinh doanh, để cung ứng những quy định bảo vệ bổ sung cho các nhà đầu tư.

 

 

Tăng trưởng kinh tế của Nga vẫn chủ yếu phụ thuộc vào giá cả xăng dầu và khí đốt cũng như giá hàng hóa ở mức cao.

Mặc dù vậy, một số chuyên gia cho rằng động lực đầu tư, tính ổn định kinh tế vĩ mô, kích thước thị trường và các yếu tố khác đòi hỏi chính phủ Nga tăng cường bảo vệ tài sản tư nhân và cải thiện hệ thống tư pháp.

 

Ngoài ra, Chính phủ Nga cần phải cải thiện khả năng cạnh tranh và cải cách cơ cấu của nền kinh tế.

 

Trong thực tế, đối với bất kỳ nội dung nào trong những thành tựu kinh tế đạt được của ông Putin không thể tránh một thực tế khách quan: tăng trưởng kinh tế của Nga vẫn chủ yếu phụ thuộc vào giá cả xăng dầu và khí đốt cũng như giá hàng hóa ở mức cao.

 

Chính vì thế, trong ngắn hạn khó có điều thần kỳ xảy ra do hơn 80% doanh thu xuất khẩu dầu từ khí đốt, gỗ, phân bón và các sản phẩm tài nguyên khác. Muốn làm cho tỉ lệ này giảm xuống còn 50%, thời gian có thể cần tới là rất dài.

 

Nếu chỉ đơn giản dựa vào xuất khẩu nguyên liệu và năng lượng sẽ không thể đạt được chất lượng tăng trưởng kinh tế cao, không thể làm cho Nga trở thành "một nền kinh tế cạnh tranh” và sẽ còn ở khoảng cách xa với top 5 nền kinh tế mạnh nhất thế giới.

 

Giới phân tích cho rằng, chương trình "nền kinh tế mới" của ông Putin có thể đạt mục tiêu hay không phụ thuộc quan trọng vào việc ông Putin đã sẵn sàng để có biện pháp thúc đẩy xây dựng cơ sở vật chất và cơ chế.

 

Chẳng hạn như quá trình tư nhân hóa, giảm sức mạnh của việc can thiệp hành chính nhà nước trong nền kinh tế, chống tham nhũng mạnh mẽ. Và với một vị tổng thống đã thành công trong chặn đứng sự suy thoái của nước Nga, mang lại vai trò, vị thế mới như hiện nay, người dân Nga có quyền trông đợi, hợp tác với tân tổng thống để nước Nga thành một nền kinh tế hùng mạnh.

 

 

Theo DĐDN

 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo