Chiềng Sơn chuyển đổi hàng trăm ha đất trồng cây giá trị kinh tế cao
Đi lên từ một xã thuần nông
Chủ tịch UBND xã Chiềng Sơn Phan Thanh Hoằng nhớ lại: Từ năm 2012 trở về trước, Chiềng Sơn vô cùng khó khăn, là một xã vùng cao quanh năm nghèo đói, lạc hậu, hạ tầng cơ sở thiếu thốn, lại là địa bàn phức tạp luôn tiềm ẩn những nguy cơ bất ổn với nhiều loại hình tội phạm như ma túy, buôn bán người qua biên giới.
Để đẩy mạnh sản xuất, phát triển kinh tế, xã đã tập trung chỉ đạo nhân dân tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, khuyến khích áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, chuyển đổi diện tích trồng sắn, ngô năng suất thấp sang trồng cây ăn quả trên đất dốc. Thực tế đã chứng minh, đây là hướng đi rất đúng đắn và hiệu quả. Chỉ tính riêng trong năm 2017, toàn xã đã chuyển đổi thành công hơn 200ha diện tích trồng cây lương thực sang trồng các loại cây có giá trị cao như chè, chanh leo, bưởi... nâng giá trị sản xuất 1 ha đất nông nghiệp lên tới 44,07 triệu đồng, thu nhập bình quân đầu người năm 2017 đạt 26,05 triệu đồng. Có thu nhập cao, người dân tích cực đóng góp xây dựng hạ tầng cơ sở của xã. Trong vòng 7 năm qua, người dân đã đóng góp trên 35 tỷ đồng, trên 10 nghìn ngày công lao động, hiến hơn 5 nghìn mét đất để xây dựng kết cấu hạ tầng, đường giao thông khang trang. Hiện nay điện lưới, hệ thống truyền thanh đã phủ đến tận các bản xa xôi. Vào mùa thu hoạch, ô tô tập chuyển hàng hóa nông sản của bà con tỏa đi các hướng… Diện mạo một vùng quê no ấm đang dần hiện hữu rõ tại xã biên giới. Tệ nạn ma túy, hủ tục, đói nghèo lạc hậu ngày càng được đẩy lùi.
Động lực mới trên vùng biên cương
Chúng tôi về thăm 3 bản người Mông có đường biên giới giáp Lào là Pha Luông, Suối Thín và Dân Quân. Những năm trước, tỷ lệ hộ nghèo ở đây đều hơn 40%, địa hình toàn bộ là đồi núi nên khó khăn cho việc giao thương của người dân. Hiện nay gần như tất cả mọi con đường đã được bê tông hóa. Có đường mới, nông sản của bà con không còn bị thương lái ép giá như trước kia, đời sống đồng bào Mông ngày càng được nâng lên rõ rệt.
Anh Thào A Bua (bản Dân Quân) chia sẻ: Trước đây, ngô lúa nhà anh làm ra đều bán với giá rất rẻ do thường xuyên bị ép giá, nhưng từ khi xã mở ra các con đường bê tông thuận lợi, nhiều thương lái đã tìm vào tận nhà để mua ngô lúa với giá cao hơn, nên gia đình anh đã có thêm nhiều tiền để xây nhà mới và sắm sửa nhiều đồ dùng tốt trong nhà.
Chị Lù Thị Chinh, bản Suối Thín cho biết: Nhà chị có 5 người, nhưng chỉ có mấy ha đất. Trước kia chỉ trồng sắn và ngô cho năng suất thấp, thu nhập không được bao nhiêu nên các con phải nghỉ học. Còn bây giờ, đất nhà chị đã chuyển sang trồng hết chanh leo và bưởi, cho thu nhập khá cao, nên các con đều được đi học, lại được ăn no mặc đẹp. Vợ chồng chị rất vui và càng hăng say sản xuất hơn.
Chiềng Sơn hôm nay đã khởi sắc rất nhiều, nhiều hộ đã xây được nhà to nhà đẹp, sắm được ti vi tủ lạnh, xe máy và các đồ dùng đắt tiền. Ý thức bà con cũng có nhiều thay đổi, mọi người thường xuyên giúp đỡ nhau trong sản xuất, bảo nhau không vứt rác bừa bãi ra môi trường, chấp hành nghiêm chỉnh pháp luật của nhà nước, cùng đấu tranh ngăn chặn những hủ tục lạc hậu.
Bí thư Đảng ủy xã Lù Văn Thủy cho biết: Trong thời gian tới, địa phương tiếp tục nâng cao diện tích mô hình trồng cây chè, cây ăn quả trên đất dốc, cạnh đó kết hợp trường dạy nghề của huyện mở các lớp nghề: cơ khí, điện tử, nông lâm, nhằm đào tạo hướng nghiệp cho con em trong xã. Chú trọng nâng cao dân trí, đẩy mạnh thực hiện chương trình nông thôn mới, góp phần xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.
End of content
Không có tin nào tiếp theo