Quốc tế

Chiêu lách cấm vận của Triều Tiên

Nhiều công ty Triều Tiên được cho là dùng nhiều cách nhập nguyên liệu, thiết bị tên lửa bị cấm nhờ sự hỗ trợ của các công ty Trung Quốc.

Truyền thông nước ngoài mấy ngày qua liên tục đưa tin về nghi vấn CHDCND Triều Tiên và một số công ty, cá nhân Trung Quốc vi phạm lệnh cấm vận vũ khí theo Nghị quyết 1874 của Liên Hợp Quốc đối với Bình Nhưỡng.

 

Mới đây, tờ Asahi Shimbun dẫn lời giới chức Nhật cáo buộc một công ty Trung Quốc bán cho Triều Tiên 4 xe chở tên lửa vào tháng 8 năm ngoái. Trong khi đó, tờ Telegraph trích tài liệu tình báo của một quốc gia trong khu vực nêu những phương cách “vượt rào” của Bình Nhưỡng.

 

Thay đổi nguồn gốc, mặt hàng

 

Theo tài liệu mật, các đơn vị CHDCND Triều Tiên “đang nhập hoặc xuất khẩu những mặt hàng bị kiểm soát bằng cách lập công ty ở Trung Quốc hoặc bắt tay với đối tác nước láng giềng làm giả chứng từ, hồ sơ”.

 

Trong số này có Công ty thương mại phát triển mỏ Triều Tiên (KOMID), vốn chuyên về các thiết bị quân sự và nằm trong danh sách bị Liên Hợp Quốc cấm vận. Tháng 8/2011, Công ty thương mại Changwang, một đơn vị của KOMID ở Trung Quốc, đã mua 4 xe tải từ một công ty con của Tập đoàn khoa học công nghệ không gian Trung Quốc.

 

Sau đó chúng được chuyển đổi công năng thành xe chở tên lửa và cho ra mắt tại đợt diễu binh hoành tráng mừng 100 năm ngày sinh Chủ tịch Kim Nhật Thành (15/4), giới chức Nhật cho tờ Asahi Shimbun hay. Cũng trong cuộc diễu binh còn có 8 xe chở tên lửa loại 18 bánh bị cho là mua trái luật.

 

Theo tờ Korea Times, loại xe này do một công ty thuộc quân đội Trung Quốc chế tạo. Riêng động cơ thì được chế tạo ở Mỹ  và chuyển qua Đức trước khi vòng về Triều Tiên. Tài liệu mật của Telegraph còn cáo buộc Công ty tổng hợp Ryonbong Triều Tiên đã mua từ Trung Quốc 2 tấn vanadium, vốn là kim loại hiếm rất quan trọng trong quá trình chế tạo lên lửa.

 

Theo báo chí các nước, hầu hết các mặt hàng cấm được chuyển đến CHDCND Triều Tiên qua cảng Đại Liên ở tỉnh Liêu Ninh của Trung Quốc. Để một container chứa đầy linh kiện tên lửa lọt qua cảng Đại Liên, các công ty Triều Tiên thường hối lộ từ 62.000-93.000 USD cho giới chức hải quan Trung Quốc và thay đổi mặt hàng trên giấy tờ. Họ cũng có thể khai nước xuất xứ là Trung Quốc hoặc mua hàng dưới danh nghĩa công ty Trung Quốc.

 

Bắc Kinh phủ nhận

 

“Ủy ban Trừng phạt CHDCND Triều Tiên của Liên Hợp Quốc thường xuyên yêu cầu Trung Quốc làm rõ các trường hợp Triều Tiên chuyển vũ khí qua Đại Liên, nhưng Bắc Kinh được cho là đổ trách nhiệm cho các công ty vận tải của nước khác hoặc từ chối trả lời”, tài liệu mật nói trên viết.

 

Ngoài ra, tạp chí quốc phòng IHS Jane dẫn lời một số quan chức cao cấp gần gũi với Ủy ban Trừng phạt CHDCND Triều Tiên của Hội đồng bảo an Liên Hợp Quốc cho hay ủy ban đang điều tra những cáo buộc Trung Quốc cung cấp công nghệ cho hệ thống phóng tên lửa của Triều Tiên, xuất phát từ những nghi ngờ liên quan đến loại xe 16 bánh chở tên lửa nói trên.

 

Tuy nhiên, trong cuộc họp báo ngày 13/6, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lưu Vị Dân bác bỏ mọi cáo buộc.

 

“Trung Quốc tuân thủ nghiêm túc các nghị quyết liên quan của Liên Hợp Quốc cũng như luật pháp của mình. Các công ty Trung Quốc không xuất khẩu những mặt hàng bị cấm”, AFP dẫn lời ông Lưu nói. Người phát ngôn này từ chối bình luận về câu hỏi liệu các mặt hàng cấm có được xuất khẩu thông qua nước thứ ba hay không.

 

 

Triều Tiên ngưng thử nhân hạt nhân vì Trung Quốc?

Tuần trước, hãng thông tấn KCNA dẫn thông báo từ Bộ Ngoại giao CHDCND Triều Tiên cho hay nước này hiện chưa có kế hoạch thử hạt nhân. Trước đó, nhiều nước nghi ngờ Bình Nhưỡng lên kế hoạch thử hạt nhân lần thứ ba sau cuộc phóng tên lửa mang vệ tinh thất bại hồi tháng 4, thậm chí đã hoàn tất khâu chuẩn bị.

Reuters dẫn một số nguồn tin nói chính Trung Quốc đã yêu cầu CHDCND Triều Tiên không thử hạt nhân vì không muốn khu vực có thêm biến động cũng như lo ngại về phóng xạ. Theo đó, Bắc Kinh lo ngại một cuộc thử hạt nhân ở khu vực Punggye-ri, gần núi Trường Bạch, sẽ làm phát tán phóng xạ và ảnh hưởng môi trường. Trung Quốc cũng từng than phiền về môi trường trong khu vực bị tổn hại sau khi nước láng giềng thử hạt nhân vào năm 2006 và 2009, theo Reuters.

 

 

Theo TN

 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo