Chiêu mới của các công ty bảo hiểm
Các công ty bảo hiểm liên tiếp tung ra các chương trình hợp tác, các dịch vụ bảo hiểm "sốc" nhằm đánh chiếm mở rộng thị phần.
Đầu tháng 10, Tổng công ty cổ phần Bảo hiểm Sài Gòn (BSH) và Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Hà Nội (HASMEA) đã quyết định bắt tay nhằm gia tăng sức mạnh.
Ông Đỗ Văn Hải, Phó tổng giám đốc phụ trách BSH cho biết, hợp tác với HASMEA, BSH hy vọng tiếp cận được nhiều doanh nghiệp Hà Nội hơn và tham gia sâu hơn vào hoạt động của Hiệp hội. Lãnh đạo BSH cho rằng, đây là một sân chơi rộng lớn cho BSH, vì thực tế ở HASMEA hiện chưa hề có hội viên nào thuộc lĩnh vực bảo hiểm.
HASMEA hiện có 1.209 doanh nghiệp thành viên, thuộc nhiều lĩnh vực, như tài chính, công nghiệp, thương mại, dịch vụ, bất động sản…, chủ yếu là các doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn Hà Nội.
Trước khi bắt tay hợp tác, hai bên đã có khoảng một năm để tìm hiểu, chuẩn bị. Trong thời gian đó, HASMEA đã giới thiệu để BSH và Công ty cổ phần Nhựa Opec ký kết hợp tác, hỗ trợ BSH thực hiện các hoạt động xúc tiến thương mại tại Hà Nam, Vũng Tàu… và tiếp cận các đơn vị hội viên như Tập đoàn Quang Minh, Công ty cổ phần Vinacommodities, Công ty cổ phần Misa… Trong khi đó, các doanh nghiệp bảo hiểm từng được coi là “sống khỏe” trong mảng bán các hợp đồng bảo hiểm lớn, nhưng đến nay, cũng cảm thấy không bằng lòng với mảnh đất hiện có, nên đang tăng cường khai thác thị trường bán lẻ để tìm dư địa tăng trưởng doanh thu.
Cách đây ít lâu, Tổng công ty cổ phần Bảo hiểm Petrolimex (PJICO) chính thức tấn công kênh bán hàng trực tuyến thông qua việc ra mắt website bán bảo hiểm trực tuyến. Theo đại diện của PJICO, trong xã hội hiện đại và bận rộn, việc công ty này đưa ra dịch vụ bán bảo hiểm trực tuyến là nhằm giúp khách hàng tiết kiệm thời gian.
Cuộc chạy đua trong việc đưa ra các tiện ích tiếp cận khách hàng đang ngày càng “nóng” hơn, khi một “đại gia” khác của ngành bảo hiểm là Tổng công ty Bảo hiểm PVI cũng vừa tung ra một dịch vụ bán bảo hiểm gây “sốc” với nhiều đối thủ: bán bảo hiểm qua điện thoại di động.
Theo đó, Bảo hiểm PVI đã bắt tay với Viettel triển khai dịch vụ Mobile Insurance với sự hỗ trợ của nhiều hình thức thanh toán, như thẻ cào (tài khoản IPay), tài khoản Bankplus hoặc thanh toán trực tiếp khi nhận giấy chứng nhận bảo hiểm tại nhà. Chỉ cần một tin nhắn là hợp đồng bảo hiểm coi như đã “khớp lệnh”, trong vòng từ 24 giờ (đối với nội thành Hà Nội) đến 72 giờ làm việc (đối với các tỉnh khác trên cả nước), nhân viên bưu chính của Viettel sẽ giao giấy chứng nhận bảo hiểm tại địa chỉ của khách hàng.
Trước bối cảnh các doanh nghiệp bạn phô diễn hình ảnh của mình bằng những tiện ích bán hàng, “đại gia” khác của ngành bảo hiểm là Tổng công ty cổ phần Bảo hiểm Bưu điện (PTI) đương nhiên không thể ngồi yên.
Tuy nhiên, PTI đã khôn khéo khoác cho mình một bộ trang phục riêng không kém phần kiểu cách, đó là những dịch vụ chăm sóc khách hàng. Theo đó, PTI vừa tung ra giải pháp hỗ trợ khách hàng mua bảo hiểm xe cơ giới truy vấn thông tin bồi thường online bất cứ lúc nào, như hồ sơ đang ở giai đoạn nào, những giấy tờ đã có hoặc còn thiếu, xưởng sửa chữa xe hiện tại, ngày xe ra xưởng, ngày thanh toán tiền bảo hiểm…
Theo ông Nguyễn Đức Bình, Phó tổng giám đốc PTI, trong một vụ giải quyết bồi thường bảo hiểm có thể liên quan đến nhiều đối tượng khác nhau, do vậy, nếu khách hàng không nắm được các khâu giải quyết bồi thường thì sẽ cảm thấy mất chủ động.
Theo Đầu Tư
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Dự án Aeon Mall Cần Thơ được chấp thuận
Chủ trung tâm hội nghị Gem Center, White Palace bị xử phạt
Xăng giảm giá
Hội chợ đặc sản 2024: Cầu nối đưa sản phẩm Việt vươn xa
Giá ngoại tệ ngày 22/11/2024: USD đạt đỉnh 13 tháng, chạm mốc 107,05 điểm
Giá heo hơi ngày 22/11/2024: Duy trì trạng thái ổn định trên cả nước
Cột tin quảng cáo