Chính phủ bàn phát triển kinh tế năm 2014
Sáng 23/12, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã chủ trì hội nghị trực tuyến của Chính phủ với các địa phương triển khai Nghị quyết của Quốc hội về nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2014.
Theo đánh giá của Chính phủ, năm 2014, kinh tế nước ta vẫn đang trong giai đoạn khó khăn, còn nhiều hạn chế yếu kém và chưa thể tăng trưởng nhanh trong ngắn hạn.
Năng lực cạnh tranh của nền kinh tế còn thấp, nhu cầu nguồn lực để thực hiện 3 đột phá chiến lược, tái cơ cấu nền kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội và quốc phòng an ninh là rất lớn trong khi ngân sách rất khó khăn, đồng thời chúng ta còn phải dành nhiều nguồn lực để ứng phó với thiên tai, biến đổi khí hậu diễn biến ngày càng phức tạp.
Báo cáo của Chính phủ cho thấy, năm 2013, lạm phát được kiềm chế theo mục tiêu đề ra. So với tháng 12/2012, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 12/2013 tăng 6,04%, thấp nhất trong vòng 10 năm qua, đạt mục tiêu đề ra (kế hoạch đề ra là khoảng 8%), thấp hơn mức tăng giá cuối năm 2012 (6,81%).
Tổng thu Ngân sách nhà nước cả năm ước đạt 790,8 nghìn tỷ đồng, đạt 96,9% dự toán năm, tăng 6,4% so cùng kỳ năm 2012; tổng chi Ngân sách nhà nước ước đạt 986,3 nghìn tỷ đồng, đạt 100,8% dự toán năm, tăng 8,9% so với cùng kỳ năm 2012; bội chi Ngân sách nhà nước bằng 120% mức bội chi dự toán đầu năm, bằng 5,3% GDP. Nợ công, dư nợ Chính phủ và nợ nước ngoài của quốc gia nằm trong giới hạn an toàn: nợ công đến cuối năm 2013 đạt 56,2% GDP (<65%), trong đó nợ Chính phủ bằng 42,6% GDP (<55%), nợ Chính phủ bảo lãnh là 12,24% GDP và nợ chính quyền địa phương là 1,32% GDP.
Mục tiêu tổng quát của Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2014 đã được Quốc hội thông qua là: Phấn đấu đạt tốc độ tăng tổng sản phẩm trong nước (GDP) khoảng 5,8%; kim ngạch xuất khẩu tăng khoảng 10%; tỷ lệ nhập siêu khoảng 6% kim ngạch xuất khẩu; tốc độ tăng giá tiêu dùng (CPI) khoảng 7%; tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội khoảng 30% GDP; tỷ lệ bội chi ngân sách nhà nước 5,3%. Tỷ lệ hộ nghèo giảm 1,7%-2%, riêng các huyện nghèo giảm 4%; tạo việc làm cho khoảng 1,6 triệu lao động; tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị dưới 4%; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 52%...
Để thực hiện mục tiêu nhiệm vụ, thay mặt Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh trình bày Dự thảo Nghị quyết điều hành với 9 giải pháp lớn và 18 giải pháp cụ thể.
Trong đó, dự thảo nhấn mạnh tiếp tục tập trung tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, trong đó kiểm soát giá dịch vụ công, giá điện, xăng dầu, vừa theo giá thị trường, vừa theo yêu cầu kiểm soát lạm phát, thực hiện nghiêm Chỉ thị số 25/CT-TTg ngày 05 tháng 12 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường công tác quản lý điều hành nhằm bình ổn giá cả, thị trường, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội dịp Tết Nguyên đán Giáp ngọ năm 2014.
Để đảm bảo cho doanh nghiệp tiếp cận được nguồn tín dụng, Chính phủ yêu cầu Ngân hàng nhà nước điều hành lãi suất cho vay phù hợp, bảo đảm hài hòa lợi ích giữa tổ chức tín dụng, người gửi tiền và khách hàng vay.
Ngân hàng nhà nước xem xét các dự án, trên tinh thần tiếp tục tập trung ưu tiên vốn tín dụng cho nông nghiệp nông thôn, sản xuất hàng xuất khẩu, doanh nghiệp nhỏ và vừa, công nghiệp hỗ trợ, ứng dụng công nghệ cao...
Về việc triển khai chương trình phát triển nhà ở xã hội, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy thực hiện gói cho vay hỗ trợ nhà ở cho người có thu nhập thấp (thuộc gói 30.000 tỷ đồng), theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Bùi Quang Vinh, số tiền giải ngân chương trình này còn ở mức khiêm tốn.
Tính đến ngày 15-11-2013, năm ngân hàng thương mại nhà nước đã cam kết cho vay 1.041 khách hàng cá nhân với số tiền 400 tỷ đồng, trong đó đã giải ngân cho 1.036 khách hàng với dư nợ 247,5 tỷ đồng; ký hợp đồng tín dụng với 10 khách hàng là doanh nghiệp với số tiền là 1.110 tỷ đồng, đã giải ngân cho 5 khách hàng với số tiền 153,2 tỷ đồng.
Báo cáo tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh cho biết, đến nay đã có 39 địa phương hoàn thành thu, trong đó có 2 thành phố là Hà Nội và TPHCM có nguồn thu lớn đã đóng góp tích cực chung vào ngân sách cả nước, đây là thành tích đáng đáng biểu dương, tuy nhiên Phó Thủ tướng đánh giá, tình hình thực hiện thu ngân sách trong năm tới vẫn còn khó khăn.
Chính phủ yêu cầu trong năm 2014, các địa phương, bộ, ngành phối hợp thực hiện tốt nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước theo Nghị quyết của Quốc hội; triển khai quyết liệt các biện pháp chống thất thu ngân sách, chống chuyển giá; thu hồi và giảm nợ đọng thuế; tăng cường thanh tra, kiểm tra, chấn chỉnh và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm phát luật về thu ngân sách, kiểm soát chặt chẽ việc hoàn thuế giá trị gia tăng. Rà soát lại các chính sách thu ngân sách, điều chỉnh bảo đảm phù hợp với lộ trình giảm thuế theo các cam kết quốc tế.
Trong lĩnh vực chi, rà soát, quản lý chặt chẽ các khoản chi, bảo đảm đúng dự toán được duyệt. Triệt để tiết kiệm chi cho bộ máy quản lý nhà nước, sự nghiệp công, cắt giảm tối đa kinh phí tổ chức hội nghị, hội thảo, chi công tác nước ngoài, chi cho lễ hội, lễ kỷ niệm, khởi công, khánh thành, tổng kết và các khoản chi chưa cần thiết khác.
Không mua xe công (trừ xe chuyên dùng theo quy định của pháp luật); quản lý chặt chẽ để hạn chế tối đa chi chuyển nguồn. Từng bước xử lý dứt điểm các khoản mà ngân sách còn nợ.
VTC
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Chứng khoán Sen Vàng GLS bị phạt gần 400 triệu đồng
AEON mở cửa xuyên Tết Ất Tỵ
Giá vàng thế giới đạt đỉnh cao nhất trong hơn hai tháng
Giá ngoại tệ ngày 22/1/2025: USD lao dốc ngược chiều giá vàng
Giá heo hơi ngày 22/1/2025: Không biến động trên toàn quốc
Giá nông sản ngày 22/1/2025: Hồ tiêu và cà phê đồng loạt tăng mạnh
Cột tin quảng cáo