Thị trường

Chính phủ chỉ đạo thí điểm trồng mắc-ca ở Tây Bắc

Thay mặt Chính phủ, Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải vừa có ý kiến về việc xây dựng mô hình phát triển cây mắc-ca ở vùng Tây Bắc.

Theo thông báo của Văn phòng Chính phủ ngày 3/2, xét đề nghị của Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu nông sản chế biến; ý kiến của các bộ: Khoa học và Công nghệ, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc xây dựng mô hình liên kết trồng cây mắc - ca gắn với chế biến, tiêu thụ sản phẩm phục vụ chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và tái cơ cấu nông nghiệp vùng Tây Bắc.

 Một cây mắc-ca 5 năm tuổi bắt đầu ra quả.
 
Phó thủ tướng giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan chỉ đạo Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu nông lâm sản chế biến và các tỉnh Tây Bắc triển khai thí điểm xây dựng mô hình trồng cây mắc-ca gắn với chế biến, tiêu thụ sản phẩm theo quy định tại Quyết định 27/2012 của Thủ tướng Chính phủ; trên cơ sở kết quả thí điểm sẽ đánh giá để phát triển rộng cho toàn vùng Tây Bắc.
 
Theo thống kê của ngành nông nghiệp, hiện nhiều cây lấy hạt ở Việt Nam đã đạt đỉnh cao về kinh tế như cà phê, hồ tiêu... lại đang phải đối diện với thách thức do sự già cỗi của các vườn cây.
 
Trong bối cảnh ấy, mắc-ca đang nổi lên như một loại cây trồng đem lại hiệu quả cao, với ưu thế vòng đời lên đến hơn 60 năm.
 
Mắc-ca là loại cây công nghiệp có giá trị kinh tế cao gấp đôi, thậm chí gấp ba cây cà phê, cây điều và lại có thị trường tiêu thụ rất lớn, hiện mức cung không đủ cầu.
 
Cây mắc-ca có xuất xứ từ Úc. Với những giá trị dinh dưỡng vượt trội, hạt mắc-ca được xếp vị trí hàng đầu trong các loại hạt.
 
Vỏ của quả mắc-ca được dùng làm chất đốt, phân bón, chất bồi. Nhân hạt mắc-ca dùng trong chế biến bơ, làm bánh kẹo, kem… Dầu chiết xuất từ nhân hạt mắc-ca được dùng trong nhiều ngành công nghiệp, làm thức ăn chăn nuôi và dầu ăn.
 
Sau hơn 10 năm đưa vào trồng tại Việt Nam, diện tích mới đạt trên 2.000 ha và có khoảng 10 giống mắc ca được đánh giá phù hợp với vùng Tây Nguyên, Tây Bắc.
 
Hiện Công ty Cổ phần Him Lam và Ngân hàng Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank) cũng đang lên kế hoạch và lộ trình triển khai đề án đầu tư phát triển cây mắc-ca tại Tây Nguyên, với quy mô nguồn vốn dự kiến trên 20.000 tỷ đồng trong 5 năm đầu.
 
Như vậy, nhiều khả năng, cây mắc-ca trong thời gian tới sẽ được trồng tại cả hai vùng Tây Bắc và Tây Nguyên.
 
Theo VnEconomy
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo