Quốc tế

Chính phủ Colombia và FARC đạt thỏa thuận hòa bình: Bước ngoặt lịch sử

(DNVN) - Sau hơn 5 thập kỷ chìm trong nội chiến, chính phủ của Tổng thống Juan Manuel Santos và Lực lượng vũ trang cách mạng Colombia (FARC) đã ký kết thỏa thuận hòa bình vĩnh viễn.

Sau gần 4 năm hòa đàm tại Cu Ba, chính phủ Colombia và Lực lượng vũ trang cách mạng Colombia (FARC) đều cho biết, hai bên đã khép lại tiến trình đàm phán thành công và đạt được thỏa thuận hòa bình cuối cùng.

Phát biểu tại Colombia, Tổng thống Juan Manuel Santos hoan nghênh tin tức lạc quan này. Thủ lĩnh FARC Timoleon "Timochenko" Jimenez thông báo: "Chúng tôi may mắn tìm cách cập cảng an toàn".

Nhà đàm phán của chính phủ Colombia Humberto de la Calle (phải) bắt tay nhà đàm phán của FARC Ivan Marquez (trái) tại buổi ký thỏa thuận hòa bình, trước sự chứng kiến của Ngoại trưởng Cu Ba Bruno Rodriguez (giữa).

Thỏa thuận bao gồm 6 điểm: phát triển nông thôn, sự tham gia vào chính trường của FARC, cuộc chiến chống ma túy, xét xử tội phạm chiến tranh, vấn đề bồi thường cho các nạn nhân, lộ trình giải giáp vũ khí và tái hòa nhập cộng đồng của các tay súng. 

Trưởng đoàn đàm phán của Chính phủ Colombia Humberto de la Calle nhấn mạnh đây là thỏa thuận tốt nhất có thể đạt được với FARC và có tính khả thi nhất, dù thừa nhận có thể tất cả các bên và người dân quốc gia Nam Mỹ này còn kỳ vọng nhiều hơn nữa. Ông khẳng định mục đích của tiến trình hòa đàm đã đạt được, đó là chấm dứt xung đột vũ trang thông qua đối thoại.

Sau khi thỏa thuận hòa bình được ký kết, FARC sẽ bắt đầu đưa quân khỏi căn cứ ở vùng rừng già và núi non tới các doanh trại giải giáp vũ khí do Liên hợp quốc thiết lập. Liên hợp quốc cũng sẽ chịu trách nhiệm giám sát việc ngừng bắn giữa hai bên.

Tuy nhiên, thỏa thuận này vẫn còn bắt buộc phải được người dân Colombia thông qua trong một cuộc trưng cầu dân ý. Đối thủ hàng đầu của ông Santos, cựu Tổng thống Colombia Alvaro Uribe đang lãnh đạo chiến dịch nói "không" với thỏa thuận hòa bình, cáo buộc người kế nhiệm nhân nhượng FARC quá nhiều.

FARC nổi dậy vào năm 1964. Cuộc xung đột vũ trang lớn cuối cùng tại khu vực châu Mỹ đã cướp đi sinh mạng của 260.000, làm 6,8 triệu người mất nhà cửa và khiến 45.000 người mất tích.

 

Nên đọc
Thu Phương (Theo Reuters)
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo