Thị trường

Chính phủ đồng ý sửa đổi quy định nuôi, chế biến và xuất khẩu cá tra

(DNVN) - Văn phòng chính phủ vừa có văn bản số 7678/VPCP-KTN gửi Bộ NN&PTNT truyền đạt ý kiến của Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải về việc sửa đổi, bổ sung Nghị định số 36/2014/NĐ-CP ngày 29/4/2014 theo trình tự, thủ tục rút gọn.

Theo đó, sau khi xét đề nghị của Bộ NN&PTNT tại công văn số 7259/BNN-TCTS ngày 04/09/2015Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đồng ý việc xây dựng, ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 36/2014/NĐ-CP ngày 29/4/2014 của Chính phủ về nuôi, chế biến và xuất khẩu sản phẩm cá tra (Nghị định sửa đổi, bổ sung) áp dụng theo trình tự, thủ tục rút gọn.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Phó Thủ tướng lưu ý, trong quá trình soạn thảo, Bộ NN&PTNT chủ trì nghiên cứu, tập trung vào các vấn đề: các khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp khi triển khai Nghị định 36; sự cần thiết phải áp dụng VietGap hoặc chứng chỉ quốc tế; cân nhắc thay thế quy định về hàm lượng nước tối da và tỷ lệ mạ băng bằng cơ chế doanh nghiệp tự công khai thông tin về thành phần, chất lượng sản phẩm; xem xét việc tiếp tục áp dụng thủ tục đăng ký, xác nhận hợp đồng xuất khẩu cá tra.

Trước đó, Báo cáo Thủ tướng Chính phủ về kết quả thực hiện Nghị định 36/2014/NĐ-CP, Bộ NN&PTNT đã chỉ ra nhiều điểm chưa hợp lý trong quá trình triển khai.

Theo Bộ NN&PTNT, một số tỉnh chậm hoàn thành việc rà soát, phê duyệt quy hoạch chi tiết nuôi, chế biến cá tra ở địa phương. Điều này ảnh hưởng đến tiến độ cấp mã số ao nuôi và xác nhận đăng ký nuôi cá tra thương phẩm, ứng dụng và chứng nhận quy phạm thực hành nuôi trồng thủy sản tốt (VietGap).

Đến nay, mới có gần 50% diện tích nuôi cá tra được chứng nhận VietGap, trong khi Nghị định 36 đặt ra mục tiêu đến hết năm 2015 các cơ sở nuôi cá tra thương phẩm phải áp dụng và được chứng nhận VietGap và các chứng nhận quốc tế tương đương.

Bộ NN&PTNT khẳng định mục tiêu này là không thể hoàn thành, cần thêm thời gian. Do đó, cơ quan này đề nghị lùi thời gian thực hiện mục tiêu này đến hết năm 2016.

 

Ngoài ra, theo Bộ NN&PTNT, việc quy định chỉ được phép sản xuất sản phẩm cá tra phi lê đông lạnh có hàm lượng nước không quá 83% và tỷ lệ mạ băng không vượt quá 10% (cá tra loại tốt) gây khó khăn trong việc tiêu thụ xuất khẩu cá tra.

Vì thế, Bộ NN&PTNT đề nghị Chính phủ giao cơ quan này hướng dẫn lộ trình thực hiện theo hướng đến ngày 31/12/2018, sản phẩm cá tra phi lê đông lạnh xuất khẩu có tỷ lệ mạ băng không vượt quá 20%, hàm lượng nước tối đa không vượt quá 86% so với khối lượng tịnh của sản phẩm. Hết năm 2019 mới áp dụng đầy đủ quy định cá tra phi lê đông lạnh có hàm lượng nước không quá 83% và tỷ lệ mạ băng không vượt quá 10%.

Đáng chú ý, đối với việc đăng ký hợp đồng xuất khẩu cá tra, cơ quan hải quan chỉ chấp nhận thông quan đối với những lô hàng của hợp đồng xuất khẩu sản phẩm cá tra đã được Hiệp hội Cá tra Việt Nam xác nhận, rất nhiều hiệp hội, UBND các tỉnh đã kiến nghị bỏ quy định này.

Bộ NN&PTNT cho rằng việc tiếp tục duy trì đăng ký hợp đồng xuất khẩu là cần thiết. Song cơ quan này đề xuất quy định “mở” hơn bằng cách sửa đổi việc đăng ký hợp đồng xuất khẩu cá tra theo hướng không phải là điều kiện để cơ quan hải quan chấp nhận thông quan. Đồng thời, đề xuất bỏ thu phí của doanh nghiệp khi đăng ký hợp đồng xuất khẩu sản phẩm cá tra.

Tuấn Kiệt
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo