Chính trị

Chính phủ lại xin “khất nợ” luật Biểu tình

Tại phiên họp sáng 16.3, nhiều thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội bày tỏ không đồng tình trước việc một số dự luật quan trọng được Chính phủ đề nghị lùi thời hạn trình, trong khi có những luật vừa được ban hành, thậm chí chưa có hiệu lực, thì lại đề nghị chỉnh sửa.

 Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh cho rằng sau vụ việc Trung Quốc đưa giàn khoan xâm phạm vùng biển VN, dự luật Biểu tình đang là vấn đề rất bức xúc - Ảnh: Độc Lập

 

Theo đề nghị của Chính phủ về “Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2016; điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh khóa 13 và năm 2015”, số lượng các dự án luật, pháp lệnh mà Chính phủ sẽ phối hợp, chỉnh lý và trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (TVQH) là 39 dự án trong năm 2015 và 33 dự án trong năm 2016.
 
Không nên trì hoãn quá lâu dự án luật Biểu tình
 
Báo cáo thẩm tra chương trình của Ủy ban Pháp luật do Chủ nhiệm Ủy ban Phan Trung Lý trình bày cho biết tháng 6.2014, QH đã ban hành Nghị quyết về “Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2015, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2014”, nhưng từ đó đến nay, Chính phủ đã 3 lần (9.2014, 2.2015, 3.2015) đề nghị điều chỉnh chương trình.
 
Tại tờ trình, Chính phủ đề nghị cho lùi thời gian trình dự án luật Biểu tình từ kỳ họp thứ 9 (dự kiến 5.2015), luật Về hội tại kỳ họp thứ 10 (dự kiến 10.2015) sang chương trình cho ý kiến tại kỳ họp thứ 2, QH khóa 14 (10.2016). Theo Ủy ban Pháp luật, đây là những dự án quan trọng cần được sớm ban hành nhằm cụ thể hóa điều 25 của Hiến pháp, tạo hành lang pháp lý để nhà nước quản lý các hoạt động này. Tuy nhiên, căn cứ vào tình hình chuẩn bị dự án, đề nghị Ủy ban TVQH đồng ý cho lùi thời gian trình dự án luật Biểu tình từ kỳ họp thứ 9 sang kỳ họp thứ 11, còn dự án luật Về hội đề nghị giữ thời hạn trình tại kỳ họp thứ 10. Ủy ban Pháp luật cũng đề nghị Chính phủ cần tập trung nguồn lực để nghiên cứu, hoàn thiện dự án luật Biểu tình, luật Về hội trình QH theo tiến độ.
 
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh Nguyễn Kim Khoa, không nên trì hoãn quá lâu việc đưa ra dự luật Biểu tình. Ông Khoa cho rằng mặc dù có nhiều ý kiến khác nhau về dự luật này, nhưng đây là vấn đề đang rất bức xúc, đặc biệt sau vụ việc Trung Quốc đưa giàn khoan Hải Dương-981 xâm phạm vùng biển VN hồi giữa năm 2014. Theo ông Khoa, việc sớm đưa ra luật Biểu tình sẽ hỗ trợ cho công tác quản lý nhà nước đồng thời đảm bảo cho vấn đề an ninh quốc gia. Đồng tình với quan điểm này, Phó chủ tịch QH Huỳnh Ngọc Sơn cho rằng đối với một số dự án luật khó, cần lường trước để đưa vào, ví dụ luật Biểu tình nếu không làm, dây dưa để kỳ họp sau dễ bị hiểu “vì lý do khác”.
 
Ông Nguyễn Kim Khoa cũng đề nghị đưa vào chương trình sửa đổi luật Quốc phòng và luật An ninh quốc gia vì hai luật này đã có nhiều điểm không còn phù hợp với Hiến pháp 2013.
 
Luật chưa có hiệu lực đã đề nghị sửa
 
Tại tờ trình, Chính phủ đề nghị bổ sung dự án “Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Cán bộ, công chức, luật Viên chức, luật Sĩ quan Quân đội nhân dân VN, luật Công an nhân dân và luật Nhà ở”.
 
Theo thuyết minh của Chính phủ, việc bổ sung dự án này nhằm thể chế hóa Kết luận số 86/KL-TW (1.2014) về các cơ chế, chính sách nhằm phát hiện, tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng, đãi ngộ và tôn vinh người tài năng. Tuy nhiên, theo Ủy ban Pháp luật, trong 5 luật đề nghị sửa đổi, bổ sung thì có 3 luật là luật Sĩ quan Quân đội nhân dân VN, luật Công an nhân dân và luật Nhà ở vừa được QH thông qua tại kỳ họp thứ 8 (11.2014), đến nay chưa có hiệu lực thi hành. Do đó đề nghị không bổ sung các dự án này vào chương trình.
 
Đồng tình với quan điểm trên, ông Nguyễn Kim Khoa cho biết trong tờ trình đề nghị sửa các điều khoản về chính sách ưu tiên, phong thăng quân hàm..., nhưng thực tế các luật Sĩ quan Quân đội nhân dân VN, luật Công an nhân dân hiện đã có đầy đủ các quy định về việc này và không hề cản trở chính sách ưu tiên nguồn lực cho quân đội và công an.
 
Việc đề nghị sửa đổi các luật, thậm chí chưa có hiệu lực, được Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng cho là “chướng vô cùng”. Theo ông, việc bổ sung vào chương trình làm luật là bổ sung những luật cần thiết, cấp bách đã được mở ra theo yêu cầu của Hiến pháp và phải có sự chuẩn bị kỹ lưỡng.
 
Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng cũng đề nghị xem xét thời gian hợp lý, nếu cần có thể rút ngắn thời gian vừa thảo luận, vừa thẩm tra để đảm bảo tiến độ. Theo ông, những dự luật nào do QH khóa 13 thảo luận, cho ý kiến thì cố gắng thông qua trong khóa 13 chứ không nên kéo dài sang QH khóa 14 vì “trong khóa mới các ĐBQH không thảo luận thì làm sao bấm nút được”.
 
 
 

 Tăng cường quyền lực cho hoạt động giám sát

 
Chiều cùng ngày, Ủy ban TVQH đã cho ý kiến về dự án luật Hoạt động giám sát của QH và HĐND. Theo Chủ nhiệm Văn phòng QH Nguyễn Hạnh Phúc, dự luật đã bổ sung một số quy định nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động giám sát. Cụ thể, dự thảo quy định căn cứ vào kết quả giám sát, Ủy ban TVQH có quyền quyết định bãi bỏ một phần hoặc toàn bộ nghị quyết sai trái của HĐND tỉnh, TP trực thuộc T.Ư; giải tán hoặc theo đề nghị của Chính phủ quyết định giải tán HĐND tỉnh, TP trực thuộc T.Ư trong trường hợp HĐND đó làm thiệt hại nghiêm trọng đến lợi ích của nhân dân. Tương tự, căn cứ vào kết quả giám sát, HĐND có quyền quyết định giải tán HĐND cấp dưới trực tiếp trong trường hợp HĐND đó làm thiệt hại nghiêm trọng đến lợi ích của nhân dân.

 Sáng 16.3, Ủy ban TVQH cũng đã nghe báo cáo và cho ý kiến vào chương trình (dự kiến) kỳ họp thứ 9 QH khóa 13. Dự kiến kỳ họp sẽ khai mạc vào ngày 20.5, bế mạc vào ngày 24.6. Chủ nhiệm Văn phòng QH Nguyễn Hạnh Phúc cho biết dự kiến chương trình chi tiết kỳ họp thứ 9, đã bố trí trình QH xem xét, thông qua Nghị quyết về chủ trương đầu tư xây dựng dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành.

Theo Thanh niên
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo