Chính phủ lập Quỹ tích lũy trả nợ, ứng trả thay người được bảo lãnh
Cụ thể, Quỹ tích lũy trả nợ là quỹ thuộc ngân sách nhà nước, được Chính phủ thành lập và giao Bộ Tài chính quản lý nhằm bảo đảm khả năng thanh toán nghĩa vụ nợ của các khoản vay về cho vay lại và nghĩa vụ nợ dự phòng của ngân sách nhà nước phát sinh từ các khoản bảo lãnh của Chính phủ.
Quỹ có các nguồn thu từ việc thu hồi nợ từ các khoản vay về cho vay lại của Chính phủ; phí bảo lãnh Chính phủ; thu hồi các khoản tạm ứng vốn từ Quỹ tích lũy trả nợ theo quy định của Chính phủ; khoản tạm ứng vốn và lãi từ cơ cấu lại khoản nợ, danh mục nợ Chính phủ; lãi tiền gửi hoặc uỷ thác quản lý nguồn vốn của Quỹ tích lũy trả nợ; Các khoản thu hợp pháp khác.
Nguồn vốn của quỹ được sử dụng cho các mục đích về quản lý nợ công. Việc chi hoàn trả ngân sách các khoản đã ứng trả nợ cho các khoản vay nước ngoài của Chính phủ về cho vay lại được thực hiện định kỳ hàng tháng trên cơ sở các chứng từ trả nợ, trong đó tách riêng phần trả nợ cho các khoản vay về cho vay lại. Thời điểm hoàn trả chậm nhất vào ngày 5 của tháng tiếp theo, riêng đối với các khoản dự kiến hoàn trả của tháng 12 sẽ được hoàn trả ngân sách nhà nước trước ngày 30/12. Số hoàn trả chính thức của tháng 12 sẽ được đối chiếu và chuyển trả trực tiếp trong tháng 1 của năm tiếp theo.
Với nội dung ứng trả thay cho người được bảo lãnh trong trường hợp người bảo lãnh chưa trả hoặc không trả được toàn bộ hoặc một phần nghĩa vụ nợ phải trả sẽ thực hiện theo các quy định tại Quy chế cấp và quản lý bảo lãnh Chính phủ hiện hành và các cam kết tại các Thư bảo lãnh đã phát hành. Nguồn tiền ứng trước từ Quỹ được thanh toán trực tiếp cho người cho vay.
Trường hợp do khoản ứng trả thay quá lớn và Quỹ không đủ nguồn, Bộ Tài chính báo cáo Thủ tướng cho phép tạm ứng từ ngân sách nhà nước để chi trả phần còn thiếu. Quỹ có trách nhiệm hoàn lại ngay ngân sách nhà nước khoản tạm ứng khi có đủ nguồn.
Với trường hợp ứng vốn để thực hiện cơ cấu lại khoản nợ, danh mục nợ Chính phủ và nợ được Chính phủ bảo lãnh nhằm giảm thiểu chi phí đi vay sẽ thực hiện theo các đề án cơ cấu lại nợ đã được Thủ tướng phê duyệt.
Nguồn tiền của Quỹ còn dư sau khi đã cân đối sử dụng cho các mục đích chi trên là nguồn vốn tạm thời nhàn rỗi của Quỹ. Nguồn vốn này phải được bảo toàn và phát triển thông qua các nghiệp vụ quản lý.
Theo quy chế, nguồn vốn tạm thời nhàn rỗi của quỹ có thể cho ngân sách nhà nước vay hoặc mua trái phiếu Chính phủ theo khả năng cân đối nguồn của Quỹ. Nguồn vốn tạm thời nhàn rỗi cũng có thể gửi có kỳ hạn tại các ngân hàng thương mại, các tổ chức tài chính trong nước có uy tín do Ngân hàng Nhà nước thông báo cho Bộ Tài chính trên cơ sở chào lãi suất cạnh tranh.
Một nguyên tắc được nhấn mạnh là phải dành tối thiểu 80% nguồn vốn tạm thời nhàn rỗi trên để cho ngân sách nhà nước vay, mua trái phiếu Chính phủ và gửi tại các ngân hàng, tổ chức tài chính của Nhà nước hoặc do Nhà nước nắm cổ phần chi phối.
Bộ Tài chính được giao tổ chức giám sát việc quản lý Quỹ tích lũy trả nợ. Ngoài ra, Quỹ cũng chịu sự kiểm toán của Kiểm toán nhà nước trong quá trình kiểm toán ngân sách nhà nước.
Đoàn Huế (Theo Dân trí)
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Công bố bộ quy tắc đạo đức, ứng xử nghề nghiệp môi giới bất động sản
Đề xuất cho doanh nghiệp tự quyết giá xăng dầu có tỷ trọng tiêu thụ thấp
Vĩnh Phúc nỗ lực 'xanh' hoá để phát triển bền vững
Bất động sản miền Trung khởi sắc: Đà Nẵng, Quảng Bình dẫn đầu xu hướng tăng trưởng
Thủ tướng: Can thiệp vào hoạt động doanh nghiệp nhà nước sẽ làm méo mó thị trường, cản trở phát triển