Xã hội

Chính phủ phải báo cáo rõ hơn về nợ công

Chiều 23.10, Quốc hội đã nghe các thành viên Chính phủ báo cáo về tình hình thực hiện ngân sách năm 2013 và dự toán ngân sách 2014.

Báo cáo thẩm tra do Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách Phùng Quốc Hiển trình bày mặc dù đồn tình với đề xuất, trong bối cảnh hụt thu lớn phải cắt, giảm một số khoản chi và nâng mức bội chi đã được Quốc hội quyết định từ 4,8%GDP lên 5,3%GDP.

Tuy nhiên, một số ý kiến không nhất trí cắt giảm 5.000 tỷ đồng liên quan đến chính sách chi cho một số lĩnh vực (trong đó có chi cho giáo dục, y tế và bảo đảm xã hội) và đề nghị Chính phủ làm rõ hơn việc bù hụt thu cho một số địa phương gặp nhiều khó khăn.

Về việc Chính phủ đề nghị năm 2014 bội chi ở mức 5,3% GDP (tương ứng 224.000 tỷ đồng), Ủy ban Tài chính ngân sách cho rằng, tỷ lệ bội chi này mặc dù chưa phù hợp với lộ trình giảm dần bội chi đã được Quốc hội quyết định, song trong bối cảnh khai thác nguồn thu gặp nhiều khó khăn, nhu cầu chi vẫn ở mức cao, chi đầu tư phát triển năm 2014 đã phải bố trí giảm so với dự toán năm 2013 thì năm 2014 chưa thể giảm mức bội chi ngân sách theo lộ trình.

Để bảo đảm cân đối, bố trí vốn NSNN đáp ứng các nhiệm vụ chi, đa số ý kiến trong Ủy ban tài chính ngân sách đề nghị Quốc hội không chỉ dành cho chi đầu tư phát triển như quy định của Luật NSNN mà cần dành một phần chi trả nợ.

Chính phủ phải báo cáo rõ hơn về nợ công

Xung quanh vấn đề nợ công, theo báo cáo của Chính phủ, mức bội chi và phát hành thêm trái phiếu Chính phủ không vượt quá trần nợ công đến năm 2015 là 65%GDP. Nên đa số ý kiến trong Ủy ban đồng ý với đề nghị của Chính phủ phát hành bổ sung 170.000 tỷ đồng vốn TPCP giai đoạn 2014 – 2016.

Tuy nhiên, Ủy ban Tài chính ngân sách nhận thấy, nghĩa vụ trả nợ của Chính phủ đang có xu hướng tăng cao. Càng gần tới năm 2015 thì sức ép về thời hạn và cường độ trả nợ càng cao, trong khi thực tế khả năng huy động và trả nợ rất khó khăn.

Nên không phải không có ý kiến đề nghị, để bảo đảm an toàn nợ công, phù hợp với khả năng huy động và khả năng trả nợ của NSNN và không để ảnh hưởng đến các nhiệm vụ chi khác, chỉ nên phát hành bổ sung vốn TPCP ở mức 120.000 tỷ đồng.

Trên tinh thần đó, Ủy ban đề nghị Chính phủ có kế hoạch và giải pháp cụ thể bảo đảm chủ động trả nợ và báo cáo Quốc hội rõ hơn về vấn đề nợ công.

Theo Dân Việt
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo