Chính phủ sẵn sàng lắng nghe ý kiến của doanh nghiệp
Sáng 2/12, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã tới dự Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam thường niên (VBF) 2014 cuối kỳ với chủ đề “Doanh nghiệp hướng tới các hiệp định thương mại mới”.
Đây là kênh đối thoại chính thức giữa Chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp tại Việt Nam, nhằm xây dựng một môi trường kinh doanh thuận lợi, thu hút đầu tư và kích thích tăng trưởng kinh tế.
Diễn đàn VBF cuối kỳ diễn ra trong bối cảnh nền kinh tế nước ta có nhiều tín hiệu lạc quan, đặc biệt sau một loạt động thái của Chính phủ trong việc cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh đã tạo nên sự minh bạch, thuận lợi và niềm tin vào môi trường kinh doanh cho các doanh nghiệp trong và ngoài nước.
Tại Diễn đàn, các đại biểu tập trung thảo luận 6 nội dung chính gồm: Vấn đề nợ công, nợ xấu trong lĩnh vực tài chính; biện pháp thúc đẩy sự phát triển khối tư nhân (doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp trong nước); vấn đề lao động; đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước; cải cách thủ tục hành chính; các vấn đề đặt ra khi tham gia các hiệp định thương mại.
Phát biểu tại đây, bà Virginia Foote, đồng Chủ tịch VBF, bày tỏ vui mừng kể từ Diễn đàn trước tổ chức hồi tháng 6, Việt Nam đã đạt được những bước tiến đáng kể trong một số lĩnh vực quan trọng đối với cộng đồng doanh nghiệp, đặc biệt là Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp sửa đổi vừa được Quốc hội thông qua; Luật sửa đổi, bổ sung Luật Thuế đang được triển khai nhằm giảm gánh nặng về thời gian kê khai thuế; các điều kiện cấp giấy phép lao động đã được nới lỏng; vấn đề công nhận, thực thi phán quyết của trọng tài nước ngoài cũng được Chính phủ quan tâm và trần chi phí quảng cáo, khuyến mãi sẽ được xóa bỏ theo lộ trình cụ thể.
Ghi nhận những ý kiến đóng góp thẳng thắn, xây dựng, thiết thực của các đại biểu, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng đây là cơ sở để Chính phủ tiếp thu hợp lý, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách sát với thực tế hơn với tinh thần tạo mọi thuận lợi để cộng đồng doanh nghiệp phát triển.
Thủ tướng nêu rõ các mục tiêu, nhiệm vụ chủ yếu của Chính phủ Việt Nam trong năm 2015, bao gồm bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô tốt hơn, vững chắc hơn, tăng trưởng GDP năm 2015 ở mức 6,2%, chủ động kiểm soát lạm phát ở mức 5% để tạo thuận lợi cho nền kinh tế phát triển, giảm bội chi ngân sách từ 5,3% năm 2014 xuống còn 5% vào năm 2015, bảo đảm nợ công ở mức cho phép và sẽ xử lý hiệu quả hơn nợ công, trả nợ đúng hạn, đầy đủ theo kế hoạch. Chính phủ cũng đã đề ra kế hoạch 5 năm 2016-2020, trong đó mục tiêu tăng trưởng ở mức 6,5-7% /năm.
Để thực hiện được những mục tiêu này, Chính phủ sẽ tiếp tục tập trung chỉ đạo, quản lý để hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, coi đây là khâu đột phá có ý nghĩa quyết định. Trong đó, tập trung cải cách thể chế, luật pháp, thủ tục hành chính, phát triển mạnh các loại thị trường vốn, tiền tệ, lao động, bất động sản… tạo mọi thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển để nâng cao năng suất lao động, năng lực cạnh tranh; cải cách môi trường kinh doanh gắn liền với đó là tăng cường chống hàng lậu, hàng giả, trốn thuế dưới các hình thức một cách công khai minh bạch, trên cơ sở kinh tế thị trường và nhà nước pháp quyền.
Thủ tướng khẳng định Việt Nam sẽ chủ động hội nhập quốc tế, tập trung khai thác hiệu quả các Hiệp định thương mại đã có và tích cực đàm phán, ký kết các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới. Cùng với đó Chính phủ Việt Nam đang tập trung thực hiện 3 khâu đột phá chiến lược gắn với tái cơ cấu kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng đạt kết quả cao hơn năm 2014 trên các lĩnh vực cụ thể như: Huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, đào tạo nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao; cải cách mạnh đầu tư công theo hướng tập trung có hiệu quả; cải cách hệ thống tài chính ngân hàng, bảo đảm hệ thống ngân hàng hoạt động, quản trị hiệu quả góp phần đưa nợ xấu về mức bình thường khoảng 3% vào năm 2015; đẩy mạnh cải cách doanh nghiệp nhà nước cũng như tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng chỉ rõ công tác phòng chống tham nhũng là một trong những ưu tiên trong thời gian tới với 2 giải pháp lớn là hoàn thiện kinh tế thị trường gắn với cải cách thủ tục hành chính, thực hiện công khai minh bạch trong quản lý tài sản, tài chính ngân sách, khoáng sản, doanh nghiệp Nhà nước, và phát hiện xử lý nghiêm các hành vi tham nhũng.
Cùng với phát triển kinh tế, Chính phủ sẽ tiếp tục làm tốt hơn công tác bảo đảm tiến bộ công bằng, an sinh xã hội trên các lĩnh vực việc làm, y tế, giáo dục và giảm nghèo.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng bày tỏ mong muốn thường xuyên nhận được góp ý của các tập đoàn, doanh nghiệp, tổ chức quốc tế về những vấn đề Việt Nam cần tập trung cải cách, tạo thuận lợi hơn cho doanh nghiệp đồng thời góp phần phát triển hiệu quả, bền vững hơn nền kinh tế .
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Chứng khoán Sen Vàng GLS bị phạt gần 400 triệu đồng
AEON mở cửa xuyên Tết Ất Tỵ
Giá vàng thế giới đạt đỉnh cao nhất trong hơn hai tháng
Giá ngoại tệ ngày 22/1/2025: USD lao dốc ngược chiều giá vàng
Giá heo hơi ngày 22/1/2025: Không biến động trên toàn quốc
Giá nông sản ngày 22/1/2025: Hồ tiêu và cà phê đồng loạt tăng mạnh