Thị trường

Chính phủ sẽ kiểm soát chỉ số giá tiêu dùng

(DNVN) - Mặc dù chỉ số giá tiêu dùng (CPI) 2 tháng đầu năm có chiều hướng tăng, nhưng dự kiến CPI tháng 3 sẽ giảm 0,28%. Trên cơ sở phân tích các yếu tố thuận lợi và thách thức, Chính phủ tin tưởng rằng sẽ kiểm soát được CPI theo đúng mục tiêu đề ra.

Ảnh minh họa.

Sau 2 tháng tăng liên tục, đến tháng 3, chỉ số giá tiêu dùng CPI đã giảm 0,27% so với tháng trước. 8/11 nhóm hàng hóa và dịch vụ chính đều giảm. Nguyên nhân là do nhu cầu tiêu dùng sau Tết giảm nên giá các mặt hàng thực phẩm tươi sống như thịt, hải sản, rau củ quả đều giảm.

Tuy nhiên, tính chung trong quý I, CPI bình quân tăng 2,82% so với cùng kỳ năm trước. Chủ yếu do các địa phương thực hiện điều chỉnh giá dịch vụ y tế và thực hiện lộ trình tăng học phí. Hơn nữa, quý I trùng với Tết nên nhu cầu du lịch và đi lại của người dân tăng lên. Với mức tăng này, Tổng cục Thống kê cho rằng có thể kiểm soát lạm phát cả năm dưới 4% như chỉ tiêu Chính phủ đề ra. So với tháng liền trước, CPI tháng 1/2018 tăng 0,51%, tháng 2/2018 tăng 0,73%, tháng 3 ước đến thời điểm 26/3 giảm 0,27 - 0,28%.

Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo điều hành giá, mặt bằng giá cả thị trường trong quý I/2018 có biến động theo hướng tăng tương đối cao trong 2 tháng đầu năm và giảm trong tháng tiếp theo. Có nhiều nguyên nhân kiềm chế tốc độ tăng CPI trong quý I/2018. Đó là thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đã phối hợp chặt chẽ và đồng bộ các biện pháp đảm bảo cân đối cung cầu, chuẩn bị tốt nguồn hàng, tăng cường chương trình bình ổn thị trường. Bên cạnh đó, chính sách tiền tệ đã phối hợp chặt chẽ với các chính sách tài khóa và chính sách vĩ mô khác nhằm ổn định giá trị đồng tiền, ổn định lạm phát cơ bản. Công tác dự báo cũng được thực hiện chặt chẽ. Đặc biệt, việc điều chỉnh giá một số mặt hàng do Nhà nước quản lý đã tác động làm giảm chỉ số giá tiêu dùng… góp phần giữ lạm phát cơ bản 3 tháng đầu năm 2018 so với cùng kỳ ước tăng 1,36%, thấp hơn mức lạm phát chung.

Đáng chú ý, trong quý I/2018, đã hoàn thành việc điều chỉnh giá dịch vụ khám chữa bệnh bao gồm chi phí tiền lương đối với người không có thẻ bảo hiểm y tế, nhưng không ảnh hưởng lớn tới việc tăng của CPI. Liên quan đến một số nhóm mặt hàng dự báo sẽ bị tác động bởi thị trường thế giới cũng như tình hình địa chính trị tại một số quốc gia, Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành phải làm tốt công tác dự báo để chủ động trong điều hành, với mục tiêu cao nhất là kiểm soát lạm phát theo đúng mục tiêu đề ra.

Nên đọc
Minh Phượng
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo