Thị trường

Chính phủ yêu cầu huy động vàng trong dân

Chính phủ đã chính thức đưa ra yêu cầu có các biện pháp để huy động nguồn lực từ vàng, phục vụ cho phát triển kinh tế xã hội.

Trong năm 2014, Ngân hàng Nhà nước thực hiện các giải pháp mở rộng tín dụng gắn với kiểm soát, nâng cao chất lượng tín dụng; tập trung xử lý nợ xấu, trích lập dự phòng rủi ro, cơ cấu lại nợ, hạn chế nợ xấu gia tăng; tăng cường kiểm tra, giám sát, thanh tra và công khai, minh bạch hoạt động của các tổ chức tín dụng.

Với định hướng trên, ngày 2/1/2014, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 01/NQ-CP về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2014.
 
Chính phủ yêu cầu huy động vàng trong dân
 
Trong đó, Chính phủ đã chính thức đưa ra yêu cầu có các biện pháp để huy động nguồn lực từ vàng, phục vụ cho phát triển kinh tế xã hội; đẩy mạnh thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt; hạn chế sử dụng các biện pháp hành chính đối với thị trường tiền tệ.
 
Tuy nhiên, “huy động” ở đây có thể hiểu là khác với nghiệp vụ huy động và cho vay thông thường như với các nguồn vốn trong hoạt động của hệ thống ngân hàng thương mại, mà làm sao có các giải pháp kích thích nguồn vốn “chôn” ở vàng chuyển đổi để đi vào sản xuất kinh doanh.
 
Trước đó, tổng kết năm 2013, Ngân hàng nhà nước đã tổ chức 76 phiên đấu thầu, chào bán thành công gần 70 tấn vàng, quản lý thị trường vàng đã gọn gàng hơn, nhưng chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới vẫn trên 4 triệu đồng/lượng, tương đương cuối năm 2012.
 
Trong số gần 70 tấn vàng này, có hơn 30 tấn được các tổ chức tín dụng mua vào để tất toán trạng thái vàng, chỉ có gần 40 tấn vàng còn lại là bán ra thị trường. So với các năm trước thì năm nay, nhu cầu vàng đã nguội dần (nhu cầu vàng của thị trường các năm trước là khoảng 80 tấn/năm).
 
Điều đáng nói, khi sắp bắt đầu phiên đấu thầu vàng đầu tiên, Ngân hàng nhà nước khẳng định, đấu thầu sẽ rút ngắn khoảng cách chênh lệch giá vàng. Tuy nhiên, sau hơn 9 tháng với 76 phiên đấu thầu, khoảng cách này vẫn không được rút ngắn mà thậm chí còn tăng lên. Điều này chứng tỏ, điều hành thị trường vàng vẫn chưa ổn.
 
Cũng trong năm 2013, Ngân hàng nhà nước vẫn đang “bó tay” trong việc tìm cách huy động vàng trong dân. Đã có rất nhiều con số được đưa ra khi ước lượng vàng tích trữ trong dân. Mặc dù ai cũng khẳng định khối lượng vàng vật chất và vàng trang sức tương đối lớn, nhưng chính xác là bao nhiêu thì không ai rõ.
 
Công ty Cổ phần Sài Gòn Kim Hoàng ACB-SJC đưa ra con số khoảng 500 tấn. Cụ thể, theo Công ty này, ước tính, người dân Việt Nam đang tích trữ khoảng 500 tấn vàng; lượng vàng nhập về Việt Nam hàng năm đạt khoảng 60 tấn/năm; lượng vàng khai thác từ các mỏ vàng trong nước đạt 1 - 2 tấn/năm.
 
Còn theo ước tính của Hiệp hội Kinh doanh vàng, lượng vàng trong dân hiện vào khoảng 300 - 400 tấn, tương đương hơn 20 tỷ USD.
 
Trong khi đó, Hội đồng Vàng Thế giới cho rằng số vàng ròng cất trữ trong dân ở Việt Nam lên đến 1.000 tấn (tương đương 45 tỷ USD và bằng 1/2 GDP). Nếu đúng Việt Nam có khoảng 1.000 tấn vàng trong dân thì nước ta nghiễm nhiên thuộc TOP nước sở hữu vàng lớn nhất thế giới.
 
Dẫn một nguồn thông tin khác, theo Tổng cục Hải quan, Bộ Tài chính: từ 1998 đến tháng 9/2010, Việt Nam nhập khẩu 339,86 tấn vàng, xuất khẩu 268,86 tấn. Đặc biệt, từ 2009 đến tháng 9/2010, Việt Nam nhập khẩu tới 19,07 tấn vàng (tương đương 500.000 cây), trong khi xuất khẩu là 160,12 tấn vàng (tương đương 42,3 triệu cây).
 
Nếu lấy số liệu của ngành hải quan để phân tích thì Việt Nam xuất khẩu vàng gấp 8,5 lần so với nhập. Vậy lượng vàng thực tế (số dư) sau xuất nhập và lượng tích trữ thực tế trong dân là bao nhiêu?
 
Thống đốc Ngân hàng nhà nước Nguyễn Văn Bình lại cho biết, lượng vàng trong dân hiện tại là từ 250 tấn tới 300 tấn.
Báo Đất việt
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo