Chính sách cho tăng trưởng kinh tế Việt Nam
Tăng trưởng đang... chạm ngưỡng
(haiquan) Theo đánh giá của báo cáo này, tự do hóa thương mại đã giúp ngoại thương Việt Nam tăng trưởng đều đặn hàng năm trong hai thập kỷ qua. Cụ thể, xuất khẩu của Việt Nam tăng 34% trong năm 2011, 18% trong năm 2012 và gần 20% trong quý I-2013.
Việt Nam đã đạt được lợi thế so sánh đối với xuất khẩu các sản phẩm chế biến công nghệ thấp, hàng nông sản và nguyên liệu thô. Theo đó, xuất khẩu nguyên liệu thô, bao gồm cả dầu thô sụt giảm từ 52% trong năm 2000 xuống chỉ còn 30% trong năm 2010; công nghiệp chế biến chủ yếu là sản phẩm công nghệ thấp hoặc trung bình đã tăng từ 43% lên 60% trong khoảng thời gian này.
Tuy nhiên, đại diện cho nhóm tác giả thực hiện báo cáo, ông Phạm Minh Đức, chuyên gia kinh tế cao cấp của WB cũng nêu lên một thực tế, đi kèm với những thành quả này Việt Nam còn phải đối diện với rất nhiều thách thức lớn.
Trước tiên, Việt Nam đối mặt với thâm hụt thương mại nghiêm trọng với các đối tác chính. Tính đến năm 2000, cán cân thương mại của Việt Nam vẫn cân bằng, nhưng kể từ đó đến nay, cán cân thương mại ngày càng có chiều hướng tiêu cực.
Thứ nữa, về cơ cấu sản phẩm, hàng xuất khẩu của Việt Nam chủ yếu có giá trị thấp. Cấu trúc xuất khẩu này hoàn toàn trái ngược với kết quả của Trung Quốc (tỷ lệ xuất khẩu công nghệ cao tăng từ 21 đến 32% trong khoảng thời gian từ năm 2000 đến 2010).
Đặc biệt, Việt Nam vẫn sản xuất và xuất khẩu hàng hóa với hàm lượng công nghệ thấp. Tuy tỷ trọng hàng công nghệ chế biến trong tổng kim ngạch xuất khẩu tăng khá mạnh nhưng mức độ công nghệ còn rất khiêm tốn. Trên thực tế, các ngành hàng xuất khẩu đều tăng nhưng chỉ có hàng công nghệ thấp tăng tỷ trọng trên thị trường toàn cầu.
“Với những tiến bộ vượt bậc về tự do hóa thương mại, phạm vi tăng trưởng thương mại nhờ tự do hóa đang chạm ngưỡng”, ông Đức cho biết.
Ba “trụ đỡ”
Với những phân tích trên, nhóm nghiên cứu của WB đã đưa ra 3 nhóm khuyến nghị chính sách cho tăng trưởng kinh tế Việt Nam, gồm: Tăng cường hạ tầng giao thông và dịch vụ Logistics (trong đó xác định các hành lang vận chuyển cốt yếu để đặt mục tiêu đầu tư như Hà Nội - Hải Phòng, TP. HCM - Bà Rịa - Vũng Tàu); cải thiện thủ tục quy định về thương mại biên giới (với việc sửa đổi luật hải quan và văn bản liên quan cho phép ứng dụng công nghệ thông tin hiện đại, thực hiện cơ chế một cửa quốc gia và một cửa ASEAN); tái cơ cấu chuỗi cung ứng công nghiệp chế biến và chuỗi cung ứng nông sản.
Làm rõ hơn điều này, theo ông Đức, từ góc độ năng lực cạnh tranh thương mại, tiềm năng tăng trưởng của Việt Nam đang bị hạn chế nghiêm trọng bởi hạ tầng và kết nối giao thông yếu kém. Trong số các vấn đề cản trở cần phải kể đến các hành lang giao thông hạn chế trong kết nối các trung tâm tăng trưởng với các cửa ngõ quốc tế, chi phí vận tải cao, chất lượng dịch vụ vận tải và logistics thấp. Do vậy, cần thay đổi cách thức dựa quá nhiều vào đầu tư công, vốn đang bị đánh giá là “không đủ lực, không hiệu quả”.
Bà Victoria Kwakwa, Giám đốc Quốc gia WB tại Việt Nam cũng cho rằng, Chính phủ Việt Nam cần cải thiện cơ sở hạ tầng logistics bằng cách sớm tái cơ cấu lĩnh vực dịch vụ vận tải kho vận, quy hoạch lại vị trí các khu công nghiệp cho gần các đầu mối giao thông, tạo thuận lợi cho vận chuyển hàng hóa trong xuất khẩu.
Không kém phần quan trọng, hiệu quả chuỗi cung ứng có tác động lên chi phí xuất khẩu – chuỗi cung ứng không hiệu quả sẽ kéo theo sự tăng đáng kể chi phí hàng xuất khẩu. “Mỗi công đoạn trong chuỗi cung ứng tạo ra những giá trị gia tăng khác nhau. Bởi vậy, vấn đề tái cơ cấu toàn bộ chuỗi cung ứng nhằm nâng cao giá trị gia tăng ở mức tối đa là lý do để coi đây là một trụ cột trong tạo thuận lợi thương mại”, ông Đức nêu ý kiến.
Phan Thu
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Mạng 5G đã sẵn sàng, hướng đi nào để doanh nghiệp viễn thông 'đánh thức' tiềm năng thị trường?
Lượt cài đặt ứng dụng mua sắm trên toàn cầu tăng mạnh
Hỗ trợ vốn khởi nghiệp cho doanh nghiệp nhỏ
Giá ngoại tệ ngày 27/12/2024: Đồng USD giảm giá
Đà Nẵng: Giám sát chặt chẽ việc lập hóa đơn điện tử kinh doanh, bán lẻ xăng dầu
TP Hồ Chí Minh: Đảm bảo đủ nguồn cung hàng hóa cho thị trường Tết 2025