Xã hội

Chính sách làm khó trí thức

Ngày 30-11, đoàn kiểm tra của Bộ Chính trị đã kiểm tra thực hiện nghị quyết 27 của Ban Chấp hành trung ương (khóa X) “Về xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước” tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Đoàn kiểm tra do ông Đinh Thế Huynh - ủy viên Bộ Chính trị, bí thư Trung ương Đảng, trưởng Ban Tuyên giáo trung ương - làm trưởng đoàn, đánh giá đội ngũ trí thức TP có nhiều đóng góp vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội ở TP rất đáng ghi nhận.

“Điểm nghẽn”

Tuy nhiên, ông Đinh Thế Huynh cho rằng cần nhìn nhận thực tế chất lượng và năng lực của đội ngũ trí thức TP về không ít mặt vẫn chưa đáp ứng được kỳ vọng của Đảng, của nhân dân; chưa đáp ứng được thật hiệu quả nhiều yêu cầu đặt ra trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đô thị hóa. Nhiều chương trình phát triển kinh tế - xã hội, công nghệ cao của TP vẫn đang thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao, trong khi điều kiện làm việc tại các viện nghiên cứu, các trường ĐH vẫn chưa phát huy hết tiềm năng sáng tạo của đội ngũ trí thức.

“Ngoài những chính sách đột phá, đặc thù thì những chính sách chung về đãi ngộ sử dụng trí thức vẫn còn chưa tương xứng với cống hiến và nguyện vọng chính đáng của trí thức, làm ảnh hưởng đến động lực cống hiến, nhiệt tình làm việc của đội ngũ trí thức” - ông Huynh nhấn mạnh.

"Làm khoa học đã khó, nhưng đúng là không khó bằng quyết toán, thanh toán các đề tài, chương trình. Hội đồng Lý luận trung ương đến hôm nay vẫn chưa được giải ngân đồng nào trong toàn bộ chương trình nghiên cứu lý luận năm năm Bộ Chính trị đã giao, mà đã hết hai năm rồi"

Ông Nguyễn Ngọc Giao - chủ tịch Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật TP.HCM - vẫn nhắc lại “điểm nghẽn” trong thu hút nhà khoa học làm nghiên cứu. Theo đó, một trong những bức xúc là quy định thủ tục thanh quyết toán tài chính khiến nhà khoa học mệt mỏi. Quy trình thanh quyết toán trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học đã làm nhà khoa học phải nói dối. Ai cũng công nhận là dối, cũng hiểu thực tế bất cập nhưng không hiểu sao không được thay đổi.

Ông Giao đồng tình với định hướng của lãnh đạo UBND TP là mua sản phẩm khoa học, cụ thể TP “đặt hàng” nhà khoa học và nghiên cứu ra sản phẩm thì trả bao nhiêu tiền. Trao đổi thêm vấn đề này, Phó chủ tịch UBND TP Lê Mạnh Hà khẳng định cách làm này vẫn đúng luật, tránh cho nhà khoa học không phải nói dối (trong thủ tục thanh quyết toán tài chính) nhưng thực hiện chậm.

Đoàn kiểm tra của Bộ Chính trị ghi nhận, tiếp thu, các đề xuất, kiến nghị của TP.HCM sẽ được báo cáo với Bộ Chính trị, như xem xét điều chỉnh một số quy định trong Luật khoa học và công nghệ, Luật công nghệ cao... Riêng kiến nghị quy định mức tối thiểu trích lập quỹ khoa học - công nghệ tại doanh nghiệp (hiện mới xác định mức tối đa 10%), theo ông Huynh, khi thảo luận vấn đề này còn ý kiến khác nhau. Trong khi đó, có ý kiến của nhà khoa học phản ảnh có nơi muốn mua máy móc, thiết bị nước ngoài, vừa nhẹ nhàng, đỡ mất công nghiên cứu, lại còn được chuyến đi nước ngoài...

Phát biểu tại buổi làm việc, ông Lê Thanh Hải - ủy viên Bộ Chính trị, bí thư Thành ủy TP - cho biết qua kiểm tra của Bộ Chính trị đã giúp TP rà soát, nhận thấy có những chủ trương đã ban hành nhưng chưa được thực hiện đến nơi đến chốn. TP sẽ tiếp tục phát huy các kết quả đạt được và từ thực tiễn TP góp phần xây dựng cơ chế, chính sách chung của trung ương nhằm phát huy tốt nhất đội ngũ trí thức.

Đừng sợ họ tự chủ thì họ sẽ làm bậy

PGS.TS Phan Thị Tươi - nguyên bí thư đảng ủy, hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa TP.HCM - lập luận: “ĐH từ lâu đã được xem là đơn vị hành chính sự nghiệp, có nguồn thu. Thế nhưng bao nhiêu năm nay dường như chúng tôi chỉ có quyền chủ động... thu chứ không thể chủ động sử dụng nguồn kinh phí cho các hoạt động của mình. Về học phí cũng vậy, liệu có trường ĐH nào trên thế giới vẫn giữ mức học phí chưa tới 200 USD/năm, trong khi yêu cầu chất lượng giảng dạy, nghiên cứu phải ở mức hàng đầu? Hãy để các trường ĐH một sự tự chủ để họ tự xoay xở cùng với những khó khăn của đất nước. Đừng sợ họ tự chủ thì họ sẽ làm bậy, trong khi chúng ta đã có biết bao cơ chế để kiểm tra, giám sát”.

Về kinh phí đầu tư cho giáo dục, PGS.TS Phan Thị Tươi cho rằng hằng năm Nhà nước dành 16-18% GDP đầu tư cho giáo dục, con số đó không nhỏ nhưng lại đầu tư kiểu dàn trải nên không có hiệu quả. Cùng quan điểm về vấn đề này, PGS.TS Phan Đình Tuấn, phó hiệu trưởng phụ trách đối ngoại và khoa học - công nghệ ĐH Bách khoa TP.HCM, nêu ví dụ: “Tại Nhật Bản, 70% kinh phí nghiên cứu khoa học hằng năm được rót về cho hai trường ĐH Tokyo và Kyoto, 30% còn lại mới phân bổ cho các trường khác. Nói như vậy để thấy tầm quan trọng của việc phải có sự đầu tư tập trung, xứng tầm cho những trung tâm hàng đầu mới mong có thành tựu”.

PGS.TS Phan Đình Tuấn đề nghị cần nhanh chóng nghiên cứu để đưa ra chính sách khoán trong khoa học - công nghệ: “Những thủ tục hiện nay đặt ra là tương đối chặt chẽ, thậm chí Bộ Tài chính còn cho rằng thủ tục, quy trình như thế là chuẩn. Chúng tôi thấy cũng chuẩn thật đấy. Nhưng để đạt được cái chuẩn ấy thì mất rất nhiều thời gian. Ví dụ như đi mua vật tư, hóa chất mà lượng tiền hơn 10 triệu đồng đã phải tổ chức đấu thầu, trong khi ra ngoài mua cũng vậy. Đấu thầu thậm chí giá còn đắt hơn. Những chuyện như thế làm người nghiên cứu mất nhiều công sức”.

Trong khi đó, PGS.TS Thoại Nam trăn trở: “Tôi làm ở ĐH Bách khoa đã nhiều năm mà rất ít khi thấy các vị lãnh đạo cấp cao xuống nói chuyện, đặt hàng cho đội ngũ trí thức của nhà trường tham gia những đề án để trực tiếp giải quyết những vấn đề của TP, của đất nước. Chúng ta không trồng cây thì làm sao mong đến ngày hái quả?”.

 

 

Hồng Lĩnh (Theo Tuổi Trẻ)

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo