Chính sách

3 kịch bản tăng trưởng GDP Việt Nam năm 2022

DNVN - Tại hội thảo công bố báo cáo thường niên kinh tế Việt Nam 2022 do Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách tổ chức sáng 20/5 tại Hà Nội, TS Trần Toàn Thắng đưa ra 3 kịch bản tăng trưởng GDP, đồng thời nhận định yếu tố Trung Quốc có tác động lớn đến bài toán tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2022.

2 kịch bản tăng trưởng GDP Việt Nam năm 2022 / Phát triển kinh tế biển bền vững giúp GDP thêm 23,5 tỷ USD vào năm 2030?

Việt Nam lỡ nhịp so với thế giới
Báo cáo thường niên kinh tế Việt Nam là sản phẩm của Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR), trực thuộc Trường Đại học Kinh tế - ĐHQG Hà Nội.
Với tựa đề “Định vị lại Việt Nam trong bối cảnh biến động toàn cầu", báo cáo tập trung phân tích một cách độc lập, khách quan những thành tựu, khó khăn, cơ hội và thách thức trong quá trình phát triển, góp phần cung cấp cơ sở khoa học cho việc hoạch định chính sách kinh tế vĩ mô, đồng thời thảo luận có chọn lọc một số vấn đề kinh tế lớn và chuyên sâu của Việt Nam.
Đánh giá tổng quan nền kinh tế Việt Nam năm 2021, TS Trần Toàn Thắng - Trưởng ban Dự báo kinh tế ngành và doanh nghiệp của Trung tâm Thông tin và Dự báo Kinh tế - Xã hội quốc gia cho biết, kinh tế Việt Nam có một sự lỡ nhịp nhất định với nền kinh tế thế giới, trong khi kinh tế thế giới bị ảnh hưởng nặng nề bởi COVID-19 thì Việt Nam vẫn có thể tiến triển tương đối tốt trong năm 2020. Tuy nhiên, khi kinh tế thế giới phục hồi, thậm chí phục hồi tương đương đối nhanh thì trong năm 2021 Việt Nam chịu tác động nặng nề bởi đại dịch, kéo theo GDP đã giảm đáng kể.
Theo TS Trần Toàn Thắng - Trưởng Ban Dự báo kinh tế ngành và doanh nghiệp của Trung tâm Thông tin và Dự báo Kinh tế - Xã hội quốc gia, kinh tế Việt Nam lỡ nhịp so với thế giới bởi đại dịch COVID-19.
Có 2 điểm tương đối quan trọng đối với tăng trưởng mà các chuyên gia quốc tế đang đặt ra với Việt Nam đó là tác động của COVID-19 có ảnh hưởng đến đường tăng trưởng dài hạn hay không, hay chỉ là sự gián đoạn của nền kinh tế bởi vì các phân tích đó chưa nhiều.
Nếu nhìn vào đường tăng trưởng tiềm năng dài hạn của Việt Nam ở thời điểm năm 2019 khoảng 7%, có thể nói đường tăng trưởng tiềm năng trong dài hạn có xu hướng giảm xuống. Điều này liên quan đến cấu trúc nghề nghiệp của người lao động, vốn... thay đổi cũng như năng suất chung của nền kinh tế và ảnh hưởng đến tăng trưởng dài hạn.
Về sự phục hồi của các ngành, ông Thắng cho biết, trong năm 2021, các ngành khác nhau có sự phục hồi và bị ảnh hưởng khác nhau bởi COVID-19. Theo đó, một loạt các nhóm ngành dịch vụ bị ảnh hưởng tương đối nặng, đặc biệt là trong quý III/2021. Các ngành tiêu dùng (bán buôn và bán lẻ, dịch vụ lưu trú và ăn uống), vận tải - logistics, du lịch… rất “nhạy cảm” với mức độ nghiêm ngặt của các biện pháp phòng chống, kiểm soát dịch bệnh, tăng trưởng giảm sâu trong 2021.
Về phục hồi doanh nghiệp, sức chống chịu của doanh nghiệp giảm mạnh khi chưa hồi phục hoàn toàn sau năm 2020. Số doanh nghiệp quy mô vừa và lớn phải tạm ngừng hoạt động đã tăng lên đáng kể. Các ngành dịch vụ tiêu dùng, du lịch, vận tải, các ngành công nghiệp sử dụng nhiều lao động giảm mạnh. Áp lực rất lớn về tài chính để duy trì hoạt động đối với doanh nghiệp.
Dẫn kết quả điều tra của Ban IV (Ban nghiên cứu Phát triển kinh tế tư nhân) tháng 8/2021 về tỷ lệ doanh nghiệp có thể duy trì dòng tiền cho hoạt động sản xuất kinh doanh, ông Thắng cho biết, 46% nhóm DN duy trì sản xuất trong vòng 1-3 tháng, 17,7% ở mức 1 tháng, 19,3% ở mức 3-6 tháng, và 17% ở mức hơn 6 tháng.
Trong khi đó, 39,8% nhóm DN tạm dừng hoạt động nói chỉ duy trì hoạt động trong 1 tháng, 46,6% từ 1-3 tháng, 10,5% từ 3- 6 tháng, và 3,1% trong khoảng hơn 6 tháng.
Với chương trình phục hồi kinh tế 2022 - 2023 trị giá 350.000 tỷ đồng, việc đẩy nhanh tiến độ thực thi các chính sách thuộc gói hỗ trợ có ý nghĩa rất lớn đối với kinh tế Việt Nam năm 2022. Tuy nhiên, sự lệch pha trong chính sách kích thích kinh tế so với xu hướng chung toàn cầu có thể làm giảm hiệu quả tác động của các chính sách kích thích kinh tế mà Việt Nam đang kỳ vọng.
3 kịch bản tăng trưởng GDP
Đánh giá về triển vọng kinh tế Việt Nam năm 2022, ông Thắng đưa ra 3 kịch bản dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam. Trong đó, với kịch bản cơ sở, kinh tế Việt Nam năm 2022 tăng trưởng ở mức 5,7% - thấp hơn so với mục tiêu trên 6%. Kịch bản này có khả năng xảy ra nhiều hơn. Tuy nhiên, đây chỉ là dự báo và việc thay đổi con số dự báo này tương đối nhanh bởi tùy thuộc vào tình hình trong và ngoài nước.
Trong trường hợp tiêu cực hơn, kể cả liên quan đến chiến tranh Nga - Ukraine, suy thoái kinh tế Mỹ thì nền kinh tế Việt Nam đạt mức tăng trưởng 5,2% trong điều kiện các giao dịch kinh tế, các chính sách kinh tế trong nước đưa ra được thực hiện một cách thỏa đáng.
Trong trường hợp tích cực, đặc biệt là chuỗi cung ứng từ Trung Quốc không bị bó hẹp thì GDP có thể đạt mức 6,2%. Đặc biệt, cầu tiêu dùng cũng có thể sẽ phục hồi tương đối tốt, xuất nhập khẩu có thể đạt tốc độ tăng 13 - 14% - tức là cao hơn năm 2021.
Với những phân tích về thực trạng và triển vọng kinh tế Việt Nam, nhóm tác giả báo cáo khuyến nghị Chính phủ Việt Nam cần tiếp tục thực hiện mục tiêu vừa khôi phục kinh tế, vừa ổn định kinh tế vĩ mô và lành mạnh. Minh bạch hoá thị trường tài chính trên quan điểm sống chung với COVID-19. Thực hiện các chính sách tài khoá và tiền tệ tập trung nhiều vào việc thúc đẩy cầu. Đặc biệt, ưuu tiên nguồn lực cho khu vực doanh nghiệp phục hồi, phát triển.
Báo cáo thường niên kinh tế Việt Nam 2022 gồm 6 chương, trong đó 2 chương đầu tiên là thông tin tổng quan tình hình kinh tế thế giới, kinh tế Việt Nam năm 2021 và nửa đầu năm 2022; phân tích bối cảnh chuyển đổi số, nhất là ngành dịch vụ trên thế giới và Việt Nam trong điều kiện COVID-19.
Trong khi chương 3 là nền tảng chuyển đổi số nói chung và ngành dịch vụ nói riêng thì chương 4 - 5 phân tích chuyên sâu năng lực chuyển đổi số của 2 ngành dịch vụ mũi nhọn là tài chính - ngân hàng và logistics.
Chương cuối báo cáo đánh giá triển vọng kinh tế Việt Nam và đưa ra một số khuyến nghị chính sách.

Nguyệt Minh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm