Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng: "Chúng tôi rất trăn trở việc phát triển DNNN thế nào cho hiệu quả?"
DNVN - Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch & Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, vai trò của doanh nghiệp nhà nước (DNNN) phải thực sự là những con chim đầu đàn, dẫn dắt, lan tỏa tới khu vực doanh nghiệp khác. Chủ trương cổ phần hóa, thoái vốn là đúng đắn để DNNN tập trung vào những vấn đề mới, lớn, khó, còn lại để cho doanh nghiệp tư nhân thực hiện.
Tổng cục Thuế yêu cầu chấn chỉnh ngay công tác thu tiền sử dụng đất ở một số địa phương / Hà Nội ưu tiên phát triển điện mặt trời mái nhà và cả trên mặt nước
Chiều 10/3/2021, tại Hà Nội, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng chủ trì cuộc trao đổi về Đề án "Phát triển doanh nghiệp nhà nước (DNNN) quy mô lớn, đặc biệt là tập đoàn kinh tế Nhà nước đa sở hữu nhằm phát huy vai trò mở đường, dẫn dắt cho các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác, phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng trong thời kỳ mới".
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, DNNN chiếm số lượng nhỏ, chỉ chiếm 0,07% số lượng DN của cả nước. Tuy nhên, hiện nay khu vực DN này đóng góp tới 7% tổng tài sản, 10% tổng vốn các doanh nghiệp trên thị trường và 30% GDP, chưa kể tới những đóng góp về lao động, việc làm, cũng như việc điều tiết giúp ổn định thị trường mỗi khi có bất ổn, và thực hiện các nhiệm vụ chính trị, an ninh quốc phòng và an sinh xã hội.
“Tôi muốn nhấn mạnh vai trò của DNNN phải thực sự là con chim đầu đàn, dẫn dắt, lan tỏa khu vực doanh nghiệp khác. Chủ trương cổ phần hóa, thoái vốn là đúng đắn để DNNN tập trung vào những vấn đề mới, lớn, khó, còn lại để cho doanh nghiệp tư nhân thực hiện. Đại hội XIII cũng đặt mục tiêu phải xây dựng được một nền kinh tế có tính tự chủ cao hơn, sức chống chịu tốt hơn. Muốn vậy, phải phát triển, phải làm chủ được công nghệ. Không làm chủ được công nghệ, không có cách nào có giá trị gia tăng cao, không đủ sức mạnh trên thị trường trong nước, chưa kể nước ngoài”, người đứng đầu Bộ Kế hoạch & Đầu tư nói.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng phát biểu tại cuộc họp vềĐề án. (Ảnh: VGP)
Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, mục tiêu rất lớn nhưng bối cảnh hiện nay có nhiều thay đổi như cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, chiến tranh thương mại, dịch bệnh Covid-19 cũng như việc Việt Nam tham gia nhiều FTA. Bối cảnh tạo ra cơ hội lớn để DN nói chung và DNNN nói riêng bắt kịp và lớn lên.
Bộ trưởng cho rằng, nhiều vấn đề liên quan tới DNNN cần tiếp tục được cân nhắc, nghiên cứu như có nên phân công một cơ quan riêng để thực hiện quản lý nhà nước về DNNN? Thoái vốn Nhà nước đến đâu, thoái tiếp thế nào? Có phát triển tiếp các tập đoàn mới không? Đâu là những rào cản lớn với các doanh nghiệp, cần xử lý thế nào?...
"Chúng tôi rất trăn trở việc phát triển DNNN như thế nào cho hiệu quả, thoái vốn ra sao? DNNN phải lớn lên như thế nào để tương xứng với vai trò, để dẫn dắt các DN thuộc các thành phần kinh tế khác. Đây là những vấn đề lớn. Trong khi đó, chúng ta cũng cần bàn luận về những rào cản, cản trở hoạt động của DNNN. Trên cơ sở các ý kiến góp ý, Bộ sẽ tiếp thu và hoàn thiện Đề án", Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng phát biểu.
Chọn 7 "ông lớn" tham gia Đề án
Trình bày nội dung chính dự thảo Đề án tại cuộc họp, ông Lê Mạnh Hùng, Cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết, Đề án lựa chọn 4 lĩnh vực: công nghiệp công nghệ cao, năng lượng tái tạo, cảng biển và logistic, tài chính - ngân hàng.
Với 4 lĩnh vực này, Bộ Kế hoạch & Đầu tư đề xuất lựa chọn 7 doanh nghiệp nhà nước có tổng tài sản trên 20 nghìn tỷ đồng trở lên thuộc 4 lĩnh vực được đề xuất để nghiên cứu thí điểm tham gia Đề án phát triển doanh nghiệp nhà nước quy mô lớn phát huy vai trò dẫn dắt, mở đường. Trong đó, 3 doanh nghiệp thuộc lĩnh vực công nghiệp công nghệ cao gồm Viettel, VNPT, MobiFone; 2 doanh nghiệp thuộc lĩnh vực năng lượng tái tạo gồm Tập đoàn Điện lực EVN và Tập đoàn Dầu khí PVN; 1 doanh nghiệp thuộc lĩnh vực cảng biển và logistics là Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn, và Vietcombank thuộc lĩnh vực tài chính – ngân hàng.
7 DN được đề xuất này đảm bảo đủ 5 tiêu chí: Có tiềm lực về tài chính, đạt yêu cầu về quy mô xét trên tiêu chí tổng tài sản (dự kiến trên 20.000 tỷ đồng) hoặc có kết quả tài chính ổn định (ROE cao hơn mức 6%); Có khả năng mở rộng, chi phối thị trường hoặc tăng được thị phần (mức chiếm thị phần từ 30% trở lên) và cần đảm bảo các quy định pháp luật hiện hành về cạnh tranh. Có hệ thống quản trị tốt trên cơ sở áp dụng các Nguyên tắc quản trị doanh nghiệp nhà nước của OECD; Do Nhà nước nắm giữ 100% vốn hoặc có cổ phần chi phối, trong đó, ưu tiên các doanh nghiệp đã đa dạng hóa sở hữu hoặc có khả năng đa dạng hóa sở hữu trong thời gian tới, Nhà nước nắm cổ phần chi phối.
Đa phần các đề xuất trong Đề án nhận được sự đồng tình của các đại biểu tham dự cuộc họp. Đơn cử như ý kiến của Tổng Giám đốc Tập đoàn Viettel Lê Đăng Dũng. Theo vị này, việc lựa chọn DNNN thực hiện vai trò đầu đàn có ý nghĩa rất quan trọng. Mỗi lĩnh vực, dự án cần có DN đầu đàn để thực hiện nhiệm vụ dẫn dắt và tập trung nguồn lực của xã hội. Trong số 4 lĩnh vực Đề án đề xuất, ông nhất trí với 3 lĩnh vực, ngoại trừ lĩnh vực tài chính - ngân hàng.
"Tôi phân vân lĩnh vực tài chính - ngân hàng. Bởi xã hội ảo dùng tiền ảo, không cần ngân hàng. Trong thời đại xã hội số, chuyện kinh doanh tiền, vay tiền sẽ không còn", ông Dũng nêu quan điểm.
Thay vào đó, ông Dũng gợi ý đến lĩnh vực công nghiệp vũ trụ và cho rằng đây là lĩnh vực rất mới, có nhiều tiềm năng.
Về chính sách, Tổng Giám đốc Tập đoàn Viettel đề xuất các cơ quan quản lý khi soạn thảo các văn bản, giấy tờ, quy trình pháp lý quản lý DNNN hãy nhớ một câu: "Cố gắng làm sao để DNNN hoạt động gần giống với DN tư nhân". Cần tháo gỡ các vướng mắc về cơ chế chính sách để phát triển, ứng dụng các công nghệ mới.
Trong khi đó, nhấn mạnh đến vấn đề chuyển đổi số và vai trò của DNNN, ông Huỳnh Quang Liêm - Phó Tổng Giám đốc VNPT cho biết, thời gian qua, những dự án liên quan đến chuyển đổi số quốc gia nếu không có các DNNN thì cũng khó có được những thành công như hiện nay. Qua đó, ông Liêm đề xuất cần có cơ chế thích hợp để DNNN thể hiện vai trò dẫn dắt, lan tỏa tới các DN thuộc thành phần kinh tế khác.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng khẳng định các ý kiến tại cuộc họp hôm nay sẽ được Bộ báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong quá trình xây dựng và hoàn thiện Đề án. Trong bối cảnh bất định như hiện nay, song song với việc chấp nhận thử thách và rủi ro thì việc tạo cơ chế cho DNNN là cần thiết, để DN khu vực này chiếm lĩnh thị trường và phát triển công nghệ, đóng góp nhiều hơn cho kinh tế đất nước.
Minh Thu
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Cột tin quảng cáo