Chính sách

Chuyên gia đề xuất chọn mô hình kinh tế tuần hoàn tiêu biểu để thử nghiệm

DNVN - Trong xây dựng nghị định về cơ chế thử nghiệm phát triển kinh tế tuần hoàn (KTTH), Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) đề xuất 4 lĩnh vực thử nghiệm. Tuy nhiên, giới chuyên gia cho rằng, thay vì cách tiếp cận ở quy mô rộng này, nên chọn các mô hình kinh doanh KTTH tiêu biểu để thử nghiệm.

Đồng hành, tạo thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp / Du lịch nông nghiệp thiếu trải nghiệm độc đáo để hút khách

Theo Đề án phát triển KTTH ở Việt Nam, KTTH được định nghĩa là một mô hình tổ chức hoạt động kinh tế hiện đại có tính khép kín và liên hoàn của nhiều đơn vị sản xuất gắn kết với nhau trên nguyên tắc “mọi thứ đều là đầu vào của sản phẩm khác”, tận dụng hiệu quả dịch vụ kết nối, hướng tới liên kết sản xuất có tính tuần hoàn.
Áp dụng mô hình KTTH sẽ giúp tiết kiệm chi phí sản xuất và tối ưu hóa giá trị gia tăng trên cơ sở giảm thiểu chất thải trong quá trình sản xuất, hợp lý hóa quy trình đầu vào – đầu ra của các quy trình gắn với đổi mới sáng tạo.
Với Quyết định 687/QĐ-TTg ban hành ngày 7/6/2022 về phê duyệt Đề án phát triển KTTH ở Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì xây dựng Nghị định về cơ chế thử nghiệm phát triển KTTH.
Theo CIEM, nội dung xây dựng Nghị định về cơ chế thử nghiệm phát triển KTTH nhằm tạo lập khung thử nghiệm chính sách cho phát triển KTTH ở một số ngành, lĩnh vực có nhiều tiềm năng là một yêu cầu quan trọng.
Đánh giá về cơ chế thử nghiệm phát triển KTTH, ông Lại Văn Mạnh - Trưởng Ban Kinh tế tài nguyên và môi trường (Viện Chiến lược Chính sách tài nguyên và môi trường) cho biết, việc ban hành cơ chế thử nghiệm cùng với sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ trong Quyết định 687 về đề án phát triển KTTH ở Việt Nam là hết sức cần thiết và có ý nghĩa.

Việt Nam chưa có nhiều chính sách về phát triển kinh tế tuần hoàn.
Từ Chỉ thị số 36 của Bộ Chính trị đến Nghị quyết về bảo vệ môi trường trong thời đại công nghiệp hóa, hiện đại hóa năm 2004 của Bộ Chính trị cũng đã đề cập đến KTTH.
Hiện có hơn 100 định nghĩa khác nhau về KTTH và thế giới cũng bàn luận rất nhiều về KTTH. Trong bối cảnh hiện nay, Việt Nam không nên bàn đến khái niệm nữa, mà phải cố gắng có hành động cụ thể hơn để KTTH đi vào cuộc thực tiễn.
Theo CIEM, phát triển KTTH ở Việt Nam đối mặt với nhiều rào cản, thách thức. Tuy nhiên, cũng cần nhìn nhận rằng, KTTH là thách thức chung của toàn cầu mà tất cả các quốc gia đang phải đối mặt, không chỉ riêng Việt Nam. Trong đó, hầu hết các quốc gia đều đặt ra lộ trình hoặc những chiến lược để từng bước lựa chọn các hành động ưu tiên, giải pháp ưu tiên cần tập trung trong phát triển KTTH.
"So với các nước trên thế giới, Việt Nam chưa có nhiều chính sách về KTTH. Tuy vậy, không có nước nào như hệ thống chính trị Việt Nam lại ủng hộ KTTH trong thời điểm hiện nay. Từ Nghị quyết 55, Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2050 cho đến các nghị quyết gần đây về công nghiệp hóa, hiện đại hóa; hoặc nghị quyết phát triển các vùng đều nhắc đến KTTH. Điều này cho thấy, các định hướng của Trung ương về KTTH khá bao trùm. So với ASEAN và thế giới, Việt Nam đã hệ thống hóa được KTTH vào hệ thống thể chế khá nhanh. Tôi tin rằng chưa một quốc gia nào đưa KTTH vào nhiều nghị quyết của Trung ương như Việt Nam", chuyên gia nhìn nhận.
Cũng theo ông Mạnh, trên thực tiễn, mặc dù chưa có tổng kết, nhưng qua quá trình tiếp cận với DN, và thông qua các hội thảo, ông nhận thấy rằng các DN Việt Nam đang áp dụng KTTH một cách độc lập và có rất nhiều sáng kiến. Có điều Nhà nước chưa có giải pháp hỗ trợ và kết nối. Có DN mất tới 10 năm để nghiên cứu việc sử dụng chất thải từ thực vật để chế ra dầu rửa bát. Sản phẩm đã được chứng nhận đạt tiêu chuẩn bảo đảm lưu hành trong toàn bộ hệ thống của Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương.
"Giá như các nhà hoạch định chính sách hoặc các cơ quan làm chính sách kết nối và biết được các mô hình đó để hướng dẫn DN thì có thể DN không phải mất tới 10 năm vất vả nghiên cứu và làm ra sản phẩm hữu ích. Qua đây có thể thấy rằng, trong thực tiễn có rất nhiều sáng kiến, chỉ có điều những sáng kiến này mang tính độc lập, không có tính gắn kết thành triết lý trong KTTH ở cấp độ vùng, tỉnh hay cấp độ quốc gia", chuyên gia chia sẻ.
Trong nghiên cứu và xây dựng nghị định liên quan cơ chế thử nghiệm phát triển KTTH, CIEM đề xuất 4 lĩnh vực thử nghiệm: nông - lâm - thủy sản, công nghiệp, năng lượng và vật liệu xây dựng. Cùng với đó, CIEM đề xuất có chính sách cho các khu công nghiệp, khu kinh tế; phân loại xanh; đất đai. Đồng thời có chính sách tư vấn công nghệ, chuyển giao công nghệ; chính sách đào tạo lao động cũng như chính sách tín dụng xanh và trái phiếu xanh.
Về nội dung này, ông Mạnh bày tỏ quan ngại vì cho rằng 4 lĩnh vực đề xuất thử nghiệm của CIEM khá là rộng và cách tiếp cận vẫn truyền thống, không giải quyết được triết lý của KTTH. Do vậy, chuyên gia gợi ý nên chọn các mô hình kinh doanh KTTH tiêu biểu để thử nghiệm.
"Trong thử nghiệm KTTH, liệu chúng ta có nên mạnh dạn nhận 1 bộ tiêu chuẩn của một vài quốc gia phát triển đưa vào Việt Nam thử nghiệm. Ví dụ trong lĩnh vực dệt may có thể nhận hơn 1 bộ tiêu chuẩn của dệt may để thúc đẩy các DN trong lĩnh vực dệt may bán các sản phẩm tái chế, tái sử dụng bảo đảm tiêu chuẩn của châu Âu", chuyên gia gợi ý.
Trên cơ sở các đề xuất, góp ý từ các chuyên gia, nhà khoa học về cơ chế thử nghiệm hiệu quả để phát triển KTTH giai đoạn tới đây, CIEM sẽ tổng hợp, tập trung nghiên cứu, đề xuất và hoàn thiện dự thảo nghị định trình Bộ KH&ĐT và Chính phủ trong thời gian tới.
Nguyệt Minh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm