Dự toán Ngân sách Nhà nước 2023: Thách thức lớn là chi đầu tư công
Doanh nghiệp và người dân cần hợp tác đầu tư công nghệ, phát triển mô hình chăn nuôi hữu cơ / Chính phủ ban hành Nghị quyết thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công những tháng cuối năm
Ngày 25/10/2022, Báo cáo Công khai Dự toán Ngân sách Nhà nước (NSNN) năm 2023 do Chính phủ trình Quốc hội (Dự thảo) đã được Bộ Tài chính công khai trên cổng thông tin điện tử của Bộ, đồng thời kêu gọi các tổ chức, cá nhân đóng góp ý kiến.
Trong nội dung Dự thảo, cơ cấu chi NSNN có sự thay đổi rất lớn với việc tăng mạnh chi đầu tư. Dự toán chi đầu tư công chiếm 35% tổng chi cân đối NSNN 2023, tăng 2.4 điểm phần trăm, tăng 38% về số tuyệt đối so với dự toán năm 2022.
Đánh giá về vấn đề này, PGS, TS Vũ Sỹ Cường, Học viện Tài chính cho rằng, giải ngân đầu tư công theo đúng kế hoạch luôn là thách thức trong hoạt động chi NSNN. Với con số chi đầu tư công chiếm 35% tổng chi cân đối NSNN năm 2023 thì đây là thách thức lớn.
Dự toán đầu tư công tăng 38% về số tuyệt đối so với dự toán năm 2022 bao gồm tăng do đầu tư thông thường theo kế hoạch đầu tư công trung hạn và tăng do thực hiện một số chương trình dự án theo Nghị quyết số 43/2022/QH của Quốc hội (về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội).
Mục tiêu kế hoạch tài chính trong giai đoạn 2023-2025 được xác định là đẩy mạnh thực hiện chính sách tài khóa hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; tiếp tục cơ cấu lại NSNN, nợ công đảm bảo vai trò chủ đạo của NSTƯ, phát huy sự chủ động của các bộ, ngành, địa phương gắn với huy động, sử dụng hiệu quả các nguồn lực tài chính, góp phần kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.
Những dự án phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 chưa thực hiện sẽ chuyển sang năm 2023. Tuy nhiên, bài toán giải ngân dự toán đầu tư công tăng cao năm 2023 là không đơn giản.
Đối với thu NSNN, theo ông Cường, Dự thảo đã “quá thận trọng” trong dự toán khi so sánh với tỷ lệ thu trung bình những năm gần đây (mức dự toán cho một số năm tới thấp hơn hẳn, chỉ chiếm 13,5% GDP, trong khi những năm trước con só này là 18,5%).
“Dự toán thu NSNN thấp như vậy, theo nguyên tắc của tài chính là “lường thu mà chi”, sẽ phải cân nhắc chi hơn, trong khi hiện nay việc cân nhắc tài khóa rất là quan trọng. Chính sách tiền tệ dư địa không còn nhiều, chính sách tài khóa cần phải thể hiện nhiều hơn không chỉ phát triển về kinh tế - xã hội mà còn đáp ứng cả về an sinh xã hội”, ông Cường nói.
“Cùng với đó, tính minh bạch trong đầu tư công còn yếu. Nếu công khai minh bạch dự án đầu tư công thì dự toán NSNN sẽ được đảm bảo chính xác”, ông Cường chia sẻ.
End of content
Không có tin nào tiếp theo