Chính sách

Ngành nông nghiệp sẽ đẩy mạnh tự chủ thức ăn chăn nuôi để giảm thiểu rủi ro

DNVN - Chiều 7/6, tại Phiên họp chất vấn và trả lời chất vấn trong theo Chương trình Kỳ họp thứ 3 Quốc hội khoá XV, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NNPTNT) Lê Minh Hoan khẳng định Bộ đang xây dựng đề án tự chủ một phần vật tư đầu vào thức ăn chăn nuôi.

Thức ăn chăn nuôi tăng giá sau kỳ nghỉ Tết / Giải pháp nào cho doanh nghiệp khi thức ăn chăn nuôi ‘phi mã’?

Tranh luận tại phiên chất vấn, đại biểu Trần Đình Gia (đoàn Hà Tĩnh) cho biết, nguyên liệu làm thức ăn chăn nuôi là ngô tăng rất cao trong thời gian gần đây. Vấn đề này, đại biểu đã tham gia thảo luận tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV.

Diện tích trồng ngô giảm liên tục từ năm 2015 đến nay. Ngô là cây sản xuất có lợi thế của Việt Nam. Người dân xác định trồng ngô là cây truyền thống, diện tích cao nhưng cả một khoảng thời gian rất dài không có chính sách phát triển trồng ngô làm nguyên liệu.

Đại biểu Trần Đình Gia bày tỏ băn khoăn trong việc điều hành quy hoạch sản xuất. Theo đó, trong khi trồng nhiều loại cây thì phải giải cứu rất nhiều, nhưng sản phẩm liên tục phải nhập khẩu tăng hàng năm thì diện tích sản xuất liên tục giảm.

Đại biểu Trần Đình Gia chất vấn tại Chương trình Kỳ họp thứ 3 Quốc hội khoá XV chiều 7/6.

Giải trình ý kiến của đại biểu Trần Đình Gia, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết, Chính phủ đã có chương trình hỗ trợ nông dân đồng bằng sông Cửu Long chuyển đổi một phần đất lúa sang trồng ngô và chính sách hỗ trợ. Nghĩa là đã có chính sách nhưng thực tiễn cuộc sống, người nông dân sẽ cân nhắc một ngành hàng nào đó.

Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, mặc dù không có lợi thế so sánh tuyệt đối nhưng trong tương đối vẫn có thể quy hoạch, trồng ngô, sinh khối... để sử dụng thức ăn chăn nuôi.

Bộ trưởng Bộ NNPTNT đưa ra ví dụ: Các tập đoàn nước ngoài khi phát triển thị trường chăn nuôi, nhất là chăn nuôi lợn, họ đòi hỏi chuẩn hoá tất cả các tiêu chuẩn từ phân, giống, thuốc cho tới thức ăn chăn nuôi. Những nhà cung cấp nguyên liệu của họ đã được chuẩn hóa đồng hành với nhau khoảng trăm năm.

Nếu người nông dân Việt Nam trồng ngô, kể cả khi giá cả có thể cạnh tranh được với nhà cung cấp nguyên liệu cho các tập đoàn nước ngoài, thì vẫn đòi hỏi chúng ta phải tiếp cận được tới chuẩn hóa của nguyên liệu để đáp ứng được các nhà doanh nghiệp FDI trong lĩnh vực chăn nuôi.

“Do đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang xây dựng đề án để mà tự chủ phần nào trong vật tư đầu vào, trong đó có thức ăn chăn nuôi (có ngô, đậu tương) để giảm thiểu những rủi ro”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nói.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan khẳng định ngành nông nghiệp đang xây dựng đề án tự chủ một phần vật tư đầu vào thức ăn chăn nuôi.

Trả lời phần tranh luận của đại biểu Dương Khắc Mai về cơ chế, chính sách chưa đủ hấp dẫn để thu hút các nguồn lực đầu tư cho lĩnh vực nông nghiệp, đặc biệt là lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết, trong thời gian vừa qua, có hai nhóm doanh nghiệp đầu tư nhiều vào lĩnh vực nông nghiệp, nhóm doanh nghiệp đầu tư trực tiếp vào sản xuất và đầu tư vào lĩnh vực chế biến thì có nghị định để thu hút cho các doanh nghiệp, trong đó có các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đang sửa Nghị định 57 để các doanh nghiệp tiếp cận vấn đề này. Tuy nhiên, vấn đề không chỉ dừng lại ở cơ chế, chính sách nhà nước, mà còn là sự sẵn lòng, sẵn sàng của doanh nghiệp, của các địa phương để xây dựng vùng nguyên liệu và lan tỏa.

Nếu một doanh nghiệp ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao mà đóng khung lại 1.000 ha – 2.000 ha để tạo ra vùng nguyên liệu, cá nhân Bộ trưởng sẽ không khuyến khích mô hình đó.

“Doanh nghiệp có thể phát triển từ lõi của nghiên cứu nông nghiệp công nghệ cao, từ công nghệ giống, công nghệ sinh học, công nghệ hữu cơ để lan tỏa cho người nông dân ở xung quanh đó. Đây là sự liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân thông qua vai trò của chính quyền địa phương”, ông Hoan nói.


Hà Anh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm