Chính sách

Thực hiện chứng chỉ quản lý rừng bền vững theo nhóm hộ còn nhiều thách thức

DNVN - Thực hiện chứng chỉ quản lý rừng bền vững theo nhóm hộ còn nhiều thách thức, trong đó, sự tham gia của doanh nghiệp, nhất là đối với chứng chỉ PEFC/VFCS chưa như kỳ vọng.

Tốt nghiệp loại giỏi, cử nhân sư phạm về xứ núi trồng rừng, phát triển chăn nuôi / Thủ tướng yêu cầu quan tâm đến trồng rừng, phát triển công nghiệp chế biến gỗ

Tại hội thảo “Thúc đẩy quản lý rừng bền vững ở Việt Nam” sáng 10/10, GS, TS Võ Đại Hải, Giám đốc Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam - cơ quan quản lý Quốc gia của Hệ thống chứng chỉ rừng CCR (CCR) Việt Nam (VFCS) cho biết: Quản lý rừng bền vững ở nước ta đã được đề cập từ khá sớm và được thể hiện rõ trong Chiến lược phát triển lâm nghiệp Việt Nam giai đoạn 2006-2020 với mục tiêu đến năm 2030, có ít nhất 30% diện tích rừng sản xuất (2,5 triệu ha) có chứng chỉ.

Tuy nhiên, đến nay, tổng diện tích rừng có chứng chỉ mới đạt 345.000 ha, trong đó, CCR quốc gia (VFCS) và Chứng chỉ quản lý rừng bền vững (VFCO) là 120.000 ha.

Hội thảo “Thúc đẩy quản lý rừng bền vững ở Việt Nam”. (Ảnh: Hà Anh).

Luật Lâm nghiệp 2017 và Nghị định số 156/2018/NĐ-CP cũng có quy định chủ rừng là tổ chức xây dựng và thực hiện phương án quản lý rừng bền vững.

Chiến lược Lâm nghiệp Việt Nam giai đoạn 2021-2030 và tầm nhìn đến năm 2030 khẳng định sự cần thiết thực hiện quản lý rừng bền vững và đặt mục tiêu diện tích đạt chứng chỉ quản lý rừng bền vững là 1 triệu ha vào năm 2030.

Nhằm thực hiện các mục tiêu quản lý rừng bền vững của ngành lâm nghiệp, Chính phủ đã phê duyệt Đề án Quản lý rừng bền vững và CCR tại Quyết định số 1288/QĐ/TTg vào năm 2018.

Theo đó, hệ thống CCR quốc gia và Văn phòng Chứng chỉ quản lý rừng bền vững được thành lập và vận hành vào năm 2020. Văn phòng là tổ chức vận hành hệ thống CCR quốc gia.

Kể từ khi thành lập, văn phòng đã phối hợp chặt chẽ với Tổng cục Lâm nghiệp, VFCS để thúc đẩy quản lý rừng bền vững và CCR ở Việt Nam thông qua Dự án “Lâm nghiệp và Thương mại để Phát triển trong khu vực ASEAN” (Dự án FORTRADE). Trọng tâm của dự án là tăng cường quản trị cho các Hệ thống CCR quốc gia của các nước Campuchia, Lào, Myanmar, Việt Nam và Thái Lan.

Chia sẻ kinh nghiệm thực hiện dự án, đặc biệt là kinh nghiệm thực hiện chứng chỉ quản lý rừng bền vững theo nhóm hộ, TS Nguyễn Văn Bích, Văn phòng Chứng chỉ quản lý rừng bền vững cho biết phương pháp này được thực hiện theo 4 bước: Xây dựng hệ thống; đào tạo nâng cao năng lực; xây dựng phương án quản lý rừng bền vững và thực hiện; đánh giá cấp chứng chỉ, duy trì.

Đây là phương pháp giúp tiết kiệm chi phí tư vấn, đánh giá và nhận ưu đãi từ các chỗi cung ứng vật tư. Đồng thời, giúp tiếp cận vốn vay, tín dụng dễ hơn, tạo vùng nguyên liệu rộng lớn, tạo sự kiên kết sản xuất theo chuỗi và giúp tiếp cận thị trường dễ dàng hơn.

Thực hiện chứng chỉ quản lý rừng bền vững theo nhóm hộ còn nhiều thách thức.

Điểm thuận lợi trong quá trình thực hiện chứng chỉ quản lý rừng bền vững theo nhóm hộ là có được sự hỗ trợ từ chính sách của Nhà nước; được sử dụng các hệ thống quản lý có sẵn như Hội nông dân, Liên minh hợp tác xã (HTX), các HTX nông nghiệp và dịch vụ liên quan cũng như những thông tin, dữ liệu, bản đồ.

Tuy nhiên, phương pháp này đang gặp nhiều thách thức, trong đó, sự tham gia của doanh nghiệp, nhất là đối với chứng chỉ PEFC/VFCS chưa như kỳ vọng. Chi phí cấp và duy trì chứng chỉ cao.

Đó là chưa kể đến năng lực và nhận thức về quản lý rừng bền vững và CCR của chủ rừng và các bên liên quan còn hạn chế.

Ông Bích khuyến nghị cần có sự hỗ trợ kết nối doanh nghiệp và chủ rừng nhỏ thông qua tổ chức đại diện hoặc hỗ trợ hình thành tổ chức pháp nhân cho chủ rừng nhỏ.

“Cần huy động nguồn lực sẵn có (các Liên minh HTX, HTX nông lâm nghiệp, Hội nông dân, các hiệp hội hoặc doanh nghiệp lớn, hệ thống thông tin ngành lâm nghiệp). Đồng thời, ứng dụng công nghệ thông tin để tạo kênh kết nối chủ rừng nhỏ, giúp truy xuất nguồn gốc, học trực tuyến cũng như tuyên truyền hệ thống thông tin vườn ươm và kết nối thị trường”, ông Bích nói.

Hà Anh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm