Xử lý nợ xấu: Vướng mắc cần tiếp tục tháo gỡ
Sau một năm triển khai Nghị quyết số 42/2017/QH14 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng (Nghị quyết 42), nhiều nút thắt về xử lý nợ xấu đã được tháo gỡ, nhờ đó xử lý nợ xấu được đẩy nhanh hơn.
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, một số vướng mắc phát sinh cần được tiếp tục nghiên cứu, điều chỉnh.
Thu hồi nợ tăng mạnh
Theo ông Đoàn Văn Thắng, Tổng giám đốc Công ty quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC), Nghị quyết 42 được ban hành thể hiện tư duy của nhà lập pháp thay đổi khi cho rằng, nợ xấu là của nền kinh tế chứ không của riêng ngành ngân hàng. Nghị quyết này cũng đã tạo động lực quan trọng cho VAMC và các tổ chức tín dụng (TCTD) chủ động trong xử lý nợ xấu, khẳng định được quyền của chủ nợ trong giao dịch dân sự vay-trả.
Ảnh minh họa từ internet |
Với sự vào cuộc quyết liệt cùng các giải pháp đồng bộ, tỷ lệ nợ xấu của toàn ngành đến nay đã giảm xuống còn 2,18%. Trong đó, nợ xấu xử lý qua VAMC đến 30-6-2018 đạt 310.517 tỷ đồng theo dư nợ gốc nội bảng, ước tính đạt trên 40% tổng nợ xấu được xử lý.
VAMC đã phối hợp với các TCTD thu hồi được gần 100.000 tỷ đồng. Đáng chú ý, riêng năm 2017, nhờ có sự ra đời của Nghị quyết số 42, VAMC đã thu được 30.852 tỷ đồng, gần bằng 2/3 tổng giá trị thu hồi nợ của cả 4 năm trước đó.
Công ty VAMC cũng đã thực hiện mua nợ theo giá trị thị trường với tổng giá mua nợ đạt hơn 3.100 tỷ đồng. Đối với các khoản nợ mua theo giá thị trường, sau khi mua nợ, Công ty đã triển khai ngay các giải pháp xử lý nợ, hỗ trợ hoàn thiện các thủ tục pháp lý liên quan đến chuyển nhượng dự án.
Đánh giá của VAMC cho thấy, việc xử lý nợ xấu thông qua mua, bán nợ theo giá thị trường giúp cho xử lý nợ thực chất, hiệu quả hơn, theo nguyên tắc bảo toàn được nguồn vốn và đảm bảo hiệu quả.
Vẫn còn vướng mắc
Như vậy, sau khi thực hiện Nghị quyết 42, việc xử lý nợ xấu đã được cải thiện rất nhiều. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, một số vướng mắc phát sinh cần tháo gỡ, nổi lên là quyền thu giữ tài sản đảm bảo (TSĐB); quá trình tố tụng thi hành án, thực hiện thứ tự ưu tiên thanh toán khi xử lý TSĐB.
Phó Tổng giám đốc Agribank Trần Văn Dự cho hay, mặc dù Bộ Tài chính có văn bản về quán triệt thực hiện Nghị quyết 42 nhưng nội dung văn bản lại chưa hướng dẫn chi tiết về việc nộp thuế khi xử lý TSĐB của khoản nợ xấu, vì vậy vẫn còn khó khăn khi bán TSĐB là vấn đề thuế. Bán TSĐB xong rồi nhưng người mua không lấy được tài sản đó về vì thuế chưa đóng. Thế nên, ông Dự kiến nghị, cần có hướng dẫn pháp lý rõ ràng hơn về nộp thuế khi bán đấu giá TSĐB.
Ngoài ra, mặc dù Nghị quyết 42 đã trao quyền cho ngân hàng thu giữ tài sản, nhưng trên thực tế, chính quyền địa phương chưa vào cuộc mạnh mẽ. Chẳng hạn, về nhiều trường hợp, gia đình chỉ có duy nhất một căn nhà đem thế chấp ngân hàng để lấy vốn làm ăn nhưng không may việc kinh doanh bị thua lỗ. Khi khách hàng thua lỗ, theo pháp luật, căn nhà bị ngân hàng siết nợ. Lúc này, nếu quyết liệt thu giữ tài sản, ngân hàng sẽ bị lên án vì đẩy người dân vào cảnh không có nơi ở. “Do vậy, rất khó để giải quyết những trường hợp này một cách hợp tình hợp lý” - lãnh đạo Agribank trăn trở.
Cùng quan điểm trên, lãnh đạo Vietcombank cho rằng, Nghị quyết 42 tái lập quyền thu giữ TSBĐ của bên nhận TSBĐ. Khi khách hàng cố tình chống đối thì các TCTD vẫn phải khởi kiện khách hàng ra Toà án nhân dân có thẩm quyền để được quyền xử lý TSBĐ thông qua thi hành án. Như vậy, các TCTD chỉ thực hiện thu giữ TSBĐ thành công đối với một số trường hợp nhất định, như: Khách hàng đã bỏ trốn khỏi địa phương mà TSBĐ không có tranh chấp, TSBĐ là đất trống… Điều này vô hình chung cũng hạn chế việc xử lý TSBĐ của các TCTD.
Chưa kể, Nghị quyết 42 quy định rõ thứ tự ưu tiên thanh toán khi xử lý TSBĐ: Ưu tiên thanh toán cho nghĩa vụ nợ được bảo đảm của các TCTD, trước khi thực hiện nghĩa vụ thuế, nghĩa vụ không có bảo đảm khác của bên bảo đảm. Một số cơ quan chức năng như Tổng cục Thi hành án cũng đã có văn bản hướng dẫn nội bộ về nội dung này. Tuy nhiên, Tổng cục Thuế chưa có hướng dẫn nội bộ về nội dung này, dẫn tới nhiều trường hợp khi TCTD phát mại TSBĐ của doanh nghiệp, cơ quan thuế tại địa phương yêu cầu phải thanh toán tiền thuế nợ đọng của các doanh nghiệp thì mới thực hiện các thủ tục tiếp theo. Việc này gây khó khăn cho việc bàn giao, chuyển quyền cho người mua được TSBĐ...
Theo Báo Hà Nội mới
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Cột tin quảng cáo