Xã hội

Chính thức hợp long cầu dây văng nối đôi bờ sông Tiền

Cầu dây văng Cao Lãnh nối 2 bờ sông Tiền ở Đồng Tháp chính thức được hợp long vào sáng 1/9.

Ngày 1/9, tại xã Tịnh Thới, thành phố Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp, Tổng Công ty Đầu tư & Quản lý dự án hạ tầng giao thông Cửu Long đã tổ chức Lễ hợp long Dự án xây dựng cầu Cao Lãnh. Đây là cây cầu lớn thứ 2 sau cầu Vàm Cống thuộc Dự án Kết nối khu vực trung tâm đồng bằng Mê kông, theo tin tức trên báo Chính phủ.

Ông Nguyễn Văn Dương, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp cho rằng, Cầu Cao Lãnh chính thức được nối liền hai bờ là một cột mốc lịch sử, mở ra triển vọng to lớn để Đồng Tháp và các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long phát triển.

Chính thức hợp long cầu dây văng nối đôi bờ sông Tiền. Ảnh: PL TP. HCM.

Đây là sự nỗ lực rất lớn của cán bộ, kỹ sư trên công trình trong việc hoàn thành công trình đúng tiến độ và đảm bảo chất lượng, an toàn.

Với vai trò là địa phương thụ hưởng công trình, ông Nguyễn Văn Dương khẳng định, sẽ  tiếp tục phối hợp với chủ đầu tư tổ chức thực hiện tốt những việc còn lại theo đúng tiến độ đã đề ra. 

Cầu Cao Lãnh dài 2.014m, quy mô 4 làn xe cơ giới và 2 làn xe thô sơ, phần cầu chính là cầu dây văng hai mặt phẳng, chiều dài nhịp chính 350m, tĩnh không thông thuyền 37,5m (bằng cầu Mỹ Thuận và Rạch Miễu), thuận lợi cho tàu tải trọng 20.000 tấn lưu thông, chiều rộng 24,5m, vận tốc thiết kế 80 km/giờ, theo tin tức trên báo Tiền Phong.

Cầu xây dựng cuối năm 2013 với kinh phí 3.000 tỷ đồng bằng nguồn vốn viện trợ không hoàn lại của Chính phủ Úc, vốn vay của Ngân hàng Phát triển châu Á (ABD) và vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam.

Cầu Cao Lãnh nối thành phố Cao Lãnh và huyện Lấp Vò (Đồng Tháp), cách phà Cao Lãnh gần 1 km về hạ lưu, là cầu lớn thứ hai đang được xây dựng tại ĐBSCL, sau cầu Vàm Cống, cả hai cầu này là một phần của dự án kết nối khu vực trung tâm ĐBSCL.

 

Nên đọc
Công Danh (tổng hợp theo báo Chính phủ, Tiền Phong)
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo